Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối buổi sáng 12-6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, hầu hết các ý kiến ĐB tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết và cho rằng việc ban hành có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.
Liên quan đến việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng, nhiều ý kiến ĐB tán thành. Một số ý kiến cho rằng, các chính sách cho khu thương mại tự do chưa có chính sách nổi trội, bứt phá; nhiều chính sách về thuế còn điểm tương tự như khi áp dụng với khu kinh tế.
“Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo cho rằng, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và của cả vùng. Tuy nhiên, vì là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam và đây cũng là nghị quyết mang tính chất thí điểm nên cần hết sức thận trọng, có bước đi chắc chắn, hơn nữa, các chính sách cần được nghiên cứu, xây dựng căn cứ trên khả năng tổ chức thực hiện, nguồn lực tài chính, điều kiện đáp ứng của địa phương nên tạm thời xin được giữ phạm vi chính sách như dự thảo nghị quyết mà không mở rộng thêm”, ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Về cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới, một số ý kiến ĐB tán thành quy định việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong dự thảo nghị quyết. Có ý kiến đề nghị trước khi thực hiện trong từng năm, UBND thành phố Đà Nẵng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, chấp thuận danh mục thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới…
“Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định này, vì việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong dự thảo nghị quyết có thể dẫn đến tùy tiện, lạm dụng trong áp dụng và tổ chức thực hiện pháp luật. Hơn nữa, những khái niệm nêu trong dự thảo nghị quyết là khó áp dụng, khó xác định. Dự thảo cũng không làm rõ thẩm quyền xác định vi phạm, thẩm quyết quyết định miễn trừ là không bảo đảm tính minh bạch, thiếu căn cứ trong tổ chức thực hiện… Với các lý do trên, đề nghị bỏ quy định về miễn trừ trách nhiệm trong dự thảo nghị quyết", Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ đề nghị cho phép quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát vì dự thảo nghị quyết đã có quy định khá chặt chẽ về quy trình quản lý rủi ro tại điểm e khoản 2 Điều 14. Theo Chính phủ, đối với các giải pháp công nghệ mới, ngay cả khi bảo đảm đúng quy định, việc thử nghiệm có kiểm soát vẫn chứa đựng các yếu tố rủi ro, không lường trước được. Tiếp thu ý kiến ĐB, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Khoa học và công nghệ, dự thảo sẽ bổ sung quy định làm rõ nội dung miễn trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây thiệt hại. Vì vậy, để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia thử nghiệm có kiểm soát, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cho phép quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát là cần thiết.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành quan điểm của Chính phủ. “Không có quy định miễn trừ thì không dám làm đâu”, ông Tùng nhận định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nên quy định rõ việc miễn trừ trách nhiệm dân sự theo hướng quy định theo Điều 23 của Luật Khoa học công nghệ về miễn thiệt hại đối với Nhà nước. Tuy nhiên, đối với thiệt hại cho công dân, thì chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ bồi thường từ ngân sách.