Vẫn còn vi phạm
Cụ thể, tại Điều 30 Luật Xuất bản 2012 quy định: Không được quảng cáo trên bản đồ hành chính và chỉ được quảng cáo trên lịch bloc nhưng phải tuân thủ theo quy định của luật. Đối với các loại sách và tài liệu dưới dạng sách, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, NXB trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo. Riêng đối với tài liệu không kinh doanh, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, NXB hoặc biểu trưng, logo, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của tổ chức, cá nhân được phép xuất bản tài liệu đó.
Mặc dù Luật Xuất bản và Luật Quảng cáo đã có những quy định cụ thể như vậy, nhưng thực tế vẫn có nhiều đơn vị vi phạm, dẫn đến bị xử phạt hành chính. Mới đây là ấn phẩm Bình tĩnh mà sống do NXB Hội Nhà văn cấp phép, lồng vào quảng cáo ứng dụng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo của một hãng bảo hiểm. Cụ thể, từ trang 132 đến 136 là thông tin của nhà tài trợ với nội dung giới thiệu ứng dụng trên. Ngoài ra, bookmark và trang 137 (in màu) hoàn toàn là hình ảnh và thông tin của ứng dụng.
Trước đó, nhiều ấn phẩm cũng có dấu hiệu vi phạm như Megan muốn về nhà và mẹ cũng thế (Liên Việt và NXB Phụ nữ, 2018) đăng logo và sản phẩm của đơn vị tài trợ tại bìa ba. Tập thơ ViLi in love của Vi Thùy Linh (NXB Văn nghệ, 2008) xuất hiện 7 logo của các thương hiệu tại bìa bốn. Trên tập thơ ViLi & Paris (NXB Hội Nhà văn, 2012) cũng của tác giả này, tại trang 230 và 231 xuất hiện gần 40 logo của các thương hiệu khác nhau.
Liên quan đến cuốn sách Bình tĩnh mà sống, ông Trần Nhã Thụy, Trưởng Chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM, cho biết: “Khi nhận bản thảo, chúng tôi cũng đã cân nhắc rất nhiều. Cuốn sách này được làm nội dung và in ấn trong đợt dịch Covid-19 và thông điệp mà cuốn sách gửi đến cũng là truyền cảm hứng sống tích cực, giúp mọi người vượt qua dịch bệnh. Ngoài ra, số tiền sách thu được sẽ được trích để làm từ thiện. Chính vì những lý do trên nên mặc dù biết cuốn sách có thông tin của nhà tài trợ, nhưng chúng tôi nghĩ cũng nên du di cho trường hợp này”.
Ở góc độ người đọc, độc giả Nguyễn Linh (quận 9, TPHCM) cho rằng: “Theo tôi, giá trị của sách khác với giá trị của báo. Ngoài việc có nội dung gây nhầm lẫn thì việc có quảng cáo trong sách sẽ làm giảm giá trị của sách, khác với báo/tạp chí có giá trị cung cấp thông tin. Nếu các đơn vị xuất bản muốn quảng cáo trong sách thì phải làm rõ nội dung quảng cáo ngay ở bìa sách, hoặc có tờ rời trong sách để người đọc có thể lựa chọn sản phẩm khi mua sách hoặc loại bỏ quảng cáo khi không cần thiết”. |
Có nên nới lỏng?
Có một thực tế của ngành xuất bản hiện nay, đó là ngoài những cuốn sách thực sự đặc biệt, sách của một tác giả best seller nào đó mới được in với số lượng “đột biến”, còn đa phần được in từ 1.000 - 2.000 cuốn, nếu bán hết mới có cơ hội tái bản. Trong khi đó, chi phí phát hành đã chiếm gần một nửa giá bìa. Phần còn lại là chi phí cho việc mua bản quyền và dịch (nếu là sách dịch), nhuận bút cho tác giả, chi phí sản xuất và vận hành... Phần này nằm trong khoảng 30%-40% giá bìa; như vậy, lợi nhuận mà các đơn vị xuất bản nhận được dao động từ 10%-20% giá bìa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thói quen đọc sách của người Việt Nam chưa nhiều, việc mua sách vì vậy cũng hạn chế. Chưa kể, không giống như các ngành nghề khác “tiền trao cháo múc”, ngành sách phụ thuộc rất nhiều vào đối tác phát hành. Và thường thì phải nửa năm kể từ khi giao sách, các đơn vị xuất bản mới biết bán được bao nhiêu cuốn!
Lợi nhuận không nhiều, chưa kể gần đây vấn đề sách lậu đang hoành hành khiến những người làm sách chân chính gặp nhiều khó khăn và phải nỗ lực rất nhiều. Chính vì vậy, theo những người trong nghề, việc cấm quảng cáo trên sách đang “không công bằng”. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Sáng tạo Trí Việt - First News, đặt vấn đề: “Vì sao nhật báo được phép quảng cáo mà sách thì lại không, điều này không công bằng. Ngành sách có lợi nhuận rất ít, để văn hóa đọc phát triển mạnh hơn nữa cần đến sự hỗ trợ của xã hội. Có những cuốn sách, thương hiệu hoạt động tương đồng, họ có thể cùng hợp tác bằng việc gắn thêm logo, hoặc bookmark, để các công ty sách có thêm một khoản chi phí đầu tư cho cuốn sách, giúp cuốn sách sang trọng, đẹp hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho bạn đọc. Bên cạnh đó, khi có sự hỗ trợ như vậy, rõ ràng giá thành cuốn sách thấp hơn, dễ dàng tiếp cận đến nhiều đối tượng độc giả”.
Ngoài ra ông Nguyễn Văn Phước cũng cho rằng, không chỉ các đơn vị xuất bản mà việc quảng cáo trên sách còn là nhu cầu của xã hội. “Chẳng hạn như chúng tôi làm sách về tế bào gốc, về sức khỏe, hay sách về bà mẹ, em bé thì có rất nhiều nơi liên quan đến nội dung sách, họ mong muốn đồng hành cùng cuốn sách. Tuy nhiên, vì luật không cho phép quảng cáo trên sách nên khi đó họ lại quay qua quảng cáo trên báo chí, trên các trang mạng xã hội. Làm sách bây giờ đầu tư nhiều, tiền bản quyền, tiền dịch, chi phí sản xuất... Việc có hỗ trợ từ các đơn vị bên ngoài chính là cách để thúc đẩy văn hóa đọc, thúc đẩy tri thức, lan tỏa đến nhiều người. Tôi cho rằng, phải có sự chung tay của nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ có một mình các đơn vị xuất bản đơn độc như vậy”, ông Phước nói.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Nhã Thụy bày tỏ: “Tôi nghĩ vấn đề này rất cần có một cuộc hội thảo, có thể là giữa Cục Xuất bản và các đơn vị xuất bản ngồi lại để cùng trao đổi. Hiện nay, ngay cả báo điện tử cũng có những đoạn quảng cáo nhỏ chèn vào. Thời đại đã thay đổi rất nhiều nhưng sách vẫn giữ luật như xưa. Liệu vấn đề này có phù hợp và thỏa đáng hay không? Tại sao các phương tiện khác được quảng cáo mà sách lại không?”.