Sáng 11-11 tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới đang xuất hiện tại Việt Nam, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính… và nhiều cơ quan liên quan.
Tọa đàm này được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan như Bộ KH-CN, Bộ Tư pháp… khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng; đồng thời tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá trên thị trường hiện nay (theo công văn số 4861 ngày 17-6-2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và công văn số 8750 ngày 20-10-2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).
Chia sẻ tại tọa đàm này, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng như các chuyên gia cho rằng, thực tế quy định pháp luật hiện nay chưa có chế tài xử lý thuốc lá thế hệ mới nên các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trong khi đó, số lượng thuốc lá thế hệ mới nhập vào Việt Nam ngày càng gia tăng và các vụ bắt được thì 100% là hàng lậu. Do đó, nên có khung khổ pháp lý để quản loại sản phẩm này.
Tuy nhiên theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và một số chuyên gia, không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.
Bởi vì thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý.
Việc thí điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền có đầy đủ thông tin, cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro. Từ đó sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.
Trong khi đó, ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường chất lượng, Bộ KH-CN) cho biết: “Tháng 3-2020, Bộ KH-CN đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến báo cáo của Bộ Công thương về kết quả nghiên cứu và chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, đã nêu rõ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ra đời cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, giảm mức độ độc hại cho người tiêu dùng, hiện chưa có bằng chứng về mức độ gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài cho người sử dụng. Do đó, Bộ KH-CN nhất trí đề nghị cần sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ở Việt Nam cho phù hợp”.
Các bộ cần làm rõ
Thực tế cho thấy, hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây hại cho sức khỏe con người. Bên cạnh thuốc lá truyền thống (thuốc lá điếu), những năm gần đây, trên thị trường còn xuất hiện thêm các loại thuốc lá thế hệ mới.
Tại Việt Nam, sản phẩm này đã xuất hiện ở nhiều kênh khác nhau, từ các cửa hàng truyền thống đến các website thương mại điện tử, mạng xã hội.
Hầu như các sản phẩm này được nhập lậu và kinh doanh bất hợp pháp tại Việt Nam, tần suất cũng như số lượng thu giữ qua các vụ buôn bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang tăng dần.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đang gặp lúng túng trong việc xử lý vì sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, sự xuất hiện của mặt hàng thuốc lá thế hệ mới có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như đặt ra yêu cầu phải có biện pháp quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trật tự quản lý nhà nước.
Mặc dù hiện nay, chúng ta đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, nhưng các quy định này lại chủ yếu được áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống.
Đối với các loại thuốc lá thế hệ mới, do có nhiều sự khác biệt về đặc tính sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động so với thuốc lá truyền thống nên các cơ quan chức năng đang bị lúng túng trong quản lý. Do đó, cần nghiên cứu kỹ để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên đề nghị, Bộ Công thương cùng Bộ Y tế cần nghiên cứu, xác định rõ xem thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có tác hại không, loại sản phẩm này có phải là thuốc lá không? Nếu là thuốc lá thì sẽ quản lý theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, còn không thì sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý riêng cho thuốc lá thế hệ mới.