Nhiều khu công nghiệp nhưng ít nhà giữ trẻ
Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của công nhân, đặc biệt là lao động nữ tại các khu công nghiệp ở nước ta đang là vấn đề cấp thiết. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, cũng như tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng… việc thiếu các cơ sở giữ trẻ an toàn và tiện lợi đã gây không ít khó khăn cho lao động nhập cư.
Tại TPHCM, chỉ khoảng 15% nhu cầu gửi trẻ của công nhân được đáp ứng tại các cơ sở công lập. Phần lớn còn lại phải dựa vào các cơ sở tư thục, nơi học phí thường cao gấp nhiều lần. Điều này trở thành gánh nặng lớn cho các gia đình công nhân có thu nhập thấp. Thêm vào đó, thời gian giữ trẻ tại các cơ sở công lập không đáp ứng được yêu cầu làm thêm giờ hoặc tăng ca của nhiều lao động.
Tại tỉnh Đồng Nai, với hơn 33 khu công nghiệp đang hoạt động, số lượng trường mầm non công lập rất hạn chế, chỉ có 6 trường được xây dựng bởi các doanh nghiệp. Phần lớn công nhân phải gửi trẻ về quê nhờ ông bà chăm sóc, dẫn đến những khoảng cách về tình cảm và sự khó khăn trong quản lý gia đình.
Tại Khu công nghiệp VSIP ở TP Hải Phòng, với hơn 30.000 lao động, trong đó hơn 65% là nữ, nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi rất lớn. Một số doanh nghiệp lớn đã thử nghiệm xây dựng nhà trẻ ngay trong khuôn viên, nhưng số lượng còn rất hạn chế vì gặp nhiều khó khăn về đất đai và cơ chế chính sách. Vấn đề gửi trẻ, chăm sóc, nuôi dạy con cái không chỉ ảnh hưởng đến đời sống gia đình mà còn gây áp lực đến năng suất lao động và tâm lý của công nhân, trở thành vấn đề quan trọng suốt nhiều năm qua.
Để tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, hiện tổ chức Công đoàn Việt Nam đang xây dựng một dự thảo đề án mang tên “Đề án Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con”.
Ban Nữ công là bộ phận được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao vai trò tham mưu, xây dựng nội dung đề án. Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hai hội thảo tại TPHCM và Hà Nội để thu thập các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo.
Những đề xuất giải pháp
Góp ý cho dự thảo này, đại diện tổ chức công đoàn của Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, lao động nữ ở đây chiếm tới 85% nhưng có đặc thù là di cư tại chỗ (từ huyện này đến huyện kia làm việc, không phải lao động di cư xa như ở Bình Dương, Đồng Nai).
Do đó, việc nuôi dạy con cái của những lao động nữ làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn cũng có những đặc thù. Năm 2023, tổ chức công đoàn tại đây xây dựng được mô hình CLB bà bầu và nuôi con nhỏ. Đến nay, mô hình đã nhân rộng ra 7 doanh nghiệp có đông công nhân.
Tuy nhiên, đối chiếu với những mục tiêu mà đề án nêu ra, đại diện của tổ chức công đoàn tại tỉnh Thanh Hóa cho rằng, khó khăn nhất là kinh phí thực hiện. Bởi hiện nay, quỹ tài chính của công đoàn đã bố trí cho các đề án, không phân bổ riêng cho đề án này. “Nếu công đoàn cấp trên không hỗ trợ thì công đoàn cơ sở khó thực hiện”, đại diện Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn nói.
Về vấn đề này, bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không sử dụng kinh phí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để triển khai đề án tại từng địa phương, mà đề án cần sử dụng nguồn tài chính chung của toàn hệ thống công đoàn. Khi đề án được triển khai, các địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế của địa phương để quyết định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, lo lắng: “Chỉ tiêu mỗi khu công nghiệp phấn đấu có một nhà trẻ mẫu giáo là khó khả thi với TP Hải Phòng vì các khu công nghiệp không còn quỹ đất, chưa kể, nếu xây dựng nhà trẻ thì còn liên quan các yếu tố khác như biên chế giáo viên”. Bà Thủy đề nghị tổ chức công đoàn cần khảo sát các mô hình trên cả nước, nếu mô hình nào hiệu quả thì giới thiệu để nhân rộng.
Tương tự, bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) đề nghị, nếu triển khai đề án này, Nhà nước cần hỗ trợ quỹ đất để triển khai xây nhà trẻ, giống như nhà ở xã hội. Bởi, tại nhiều khu công nghiệp cũ khi xây dựng đã không bố trí, sắp xếp khu xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động, các dự án mới cần phải bắt buộc nêu yêu cầu này.
Về khía cạnh này, bà Đỗ Hồng Vân giải thích thêm, hiện nay, các tỉnh hầu hết đều có khu công nghiệp. Dự thảo không đặt ra chỉ tiêu mỗi khu công nghiệp cần phải xây dựng được một nhà trẻ, mà đề án chỉ chủ yếu hướng đến hoạt động hỗ trợ cho các nhà trẻ tư thục để qua đó hỗ trợ công nhân chăm sóc, nuôi dạy, gửi con cái.
Đồng tình với các ý kiến đóng góp cho dự thảo, theo bà Đỗ Hồng Vân, tổ chức công đoàn và cơ quan soạn thảo đề án đã đồng ý không đưa chỉ tiêu nhà trẻ vào đánh giá thỏa ước lao động tập thể tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đối với đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ đất xây nhà trẻ tại khu công nghiệp, vấn đề này đã được quy định tại Nghị định 115 của Chính phủ, nêu rõ đây là trách nhiệm của chính quyền, còn công đoàn không phải là tổ chức có thể bố trí được quỹ đất.
Mặc dù vậy, bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, tổ chức công đoàn cần có kiến nghị khi xây dựng các khu công nghiệp - khu chế xuất mới thì cần phải bố trí được quỹ đất cho nhà trẻ, để hỗ trợ công nhân lao động có điều kiện gần gũi con cái, chăm sóc, nuôi dạy và việc này là trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh.
Theo bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, vẫn còn những vấn đề đặt ra trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 10 năm (2014 - 2024), các khu công nghiệp và khu chế xuất tiếp tục được thành lập và phát triển ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 431 khu công nghiệp được thành lập tại 221 đơn vị cấp huyện thuộc 59/63 tỉnh, thành phố.
Các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,16 triệu lao động trực tiếp, trong đó có 23 tỉnh, thành phố có từ 50.000 lao động trở lên, tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng.
Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp cần một lượng lớn người lao động và trong quá trình đô thị hóa cũng tạo ra luồng di cư lao động lớn.
Đặc trưng của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu là công nhân trẻ nhập cư, mức sống thấp, thời gian làm tăng ca, đời sống còn nhiều bấp bênh. Các gia đình công nhân nhập cư chủ yếu sống trong các nhà trọ, thiếu nhà trẻ, lớp học gần nơi sinh sống và làm việc của công nhân.
Thu nhập thấp, cha mẹ là công nhân nhập cư khiến việc lựa chọn trường lớp cho con gặp nhiều khó khăn. Nhiều cha mẹ gửi con vào các cơ sở tư nhân không đảm bảo chất lượng. Nhiều vụ bạo hành trẻ diễn ra khiến nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực gia tăng.
“Từ những thực tiễn nêu trên, cần thiết có một đề án riêng để hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con trẻ”, bà Thái Thu Xương phát biểu.