Băn khoăn điều chỉnh lịch học ngày thứ bảy

Tuần qua, nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM đồng loạt thay đổi thời khóa biểu, trong đó thay đổi lớn nhất là bố trí lịch học vào sáng thứ bảy khiến nhiều học sinh và phụ huynh phản ứng.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), thời khóa biểu mới được áp dụng từ ngày 16-10. Đây là lần điều chỉnh thời khóa biểu thứ 2 trong năm học này. Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp), thời khóa biểu mới được áp dụng từ ngày 16-10.

Lịch học trải đều từ thứ hai đến thứ bảy đối với buổi sáng, riêng buổi chiều học sinh đi học từ thứ hai đến thứ sáu, các hoạt động tăng cường (không bắt buộc) như câu lạc bộ năng khiếu, kỹ năng sống được bố trí vào chiều thứ bảy.

Riêng đối với Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức), thời khóa biểu mới được áp dụng từ ngày 23-10. Trong đó, cả 3 khối 10, 11 và 12 đều được bố trí lịch học vào sáng thứ bảy với 5 tiết, nhiều hơn 1 tiết so với các ngày còn lại trong tuần (gồm 4 tiết buổi sáng, 4 tiết buổi chiều).

Như vậy, sau khi có chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM về việc không tổ chức dạy học quá 8 tiết/ngày và không quá 6 ngày/tuần, các trường THPT đã đồng loạt điều chỉnh thời khóa biểu do trước đây bố trí lịch học 9 tiết/ngày, học sinh không đi học thứ bảy. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho biết, việc sắp xếp lại thời khóa biểu cho đúng quy định thì dễ nhưng quan trọng là có đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của học sinh không.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều học sinh bày tỏ mong muốn được nghỉ học thứ bảy để dành thời gian cho các hoạt động năng khiếu, giải trí, lịch học thêm hoặc sinh hoạt cá nhân của các em. Chưa kể, việc thay đổi thời khóa biểu khi năm học đã qua hơn 2 tháng gây xáo trộn sinh hoạt của nhiều gia đình.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc trung học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, các trường thực hiện theo hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày của chương trình trước đây.

Trong đó, hoạt động dạy học buổi 2 được yêu cầu bám sát và bổ sung chương trình chính khóa, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường học, cần có cơ chế mở trong việc bố trí lịch học phù hợp điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.

Tin cùng chuyên mục