Băn khoăn điện mặt trời mái nhà bán giá 0 đồng

Tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trình Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới sẽ không được bán hoặc bán với giá 0 đồng. Chủ trương này đang có nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong ngành năng lượng.

Ngăn chặn việc trục lợi chính sách

Theo dự thảo Nghị định do Bộ Công thương xây dựng, loại hình ĐMTMN nếu không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích lắp hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh. Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán.

A5A.jpg
Dự án điện mặt trời của một doanh nghiệp tại tỉnh An Giang. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Trong các lần hoàn thiện dự thảo nghị định nêu trên, dù có những ý kiến trái chiều về đề xuất ĐMTMN dư thừa bán giá 0 đồng, song Bộ Công thương vẫn giữ nguyên đề xuất này ở dự thảo gần nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, bảo đảm việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương trong tháng 5-2024, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, chính sách khuyến khích lắp đặt ĐMTMN tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp nằm trong định hướng phát triển nguồn điện của Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8). Quy hoạch này đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN theo hình thức tự sản, tự tiêu.

Tuy nhiên, việc khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu chỉ nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu tại chỗ, để giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện và có nêu rõ là không phục vụ mục đích kinh doanh, mua bán điện. Do đó, khi xây dựng dự thảo, Bộ Công thương đã đề xuất cơ chế, chính sách đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho phát triển ĐMTMN của người dân, DN, như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; đồng thời công trình xây dựng có lắp đặt ĐMTMN tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định, thủ tục thực hiện đơn giản… Nếu phát triển ĐMTMN nhằm mục đích kinh doanh, mua bán thì tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định trong Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… và nhiều quy định chuyên ngành khác.

Cần tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích

Một chuyên gia về năng lượng nhận định, xét về quản lý, đề xuất 0 đồng này của Bộ Công thương là một động thái “sửa sai” cho một số đề xuất không đúng, vi phạm quy hoạch trước đây. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng kiến nghị không khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời bằng mọi giá, bởi việc khuyến khích đầu tư phải đồng bộ với lưới truyền tải và phân phối, nhưng lúc trước Bộ Công thương đã không tiếp thu kiến nghị này. Song, xét về yếu tố làm chính sách, chọn giải pháp mua điện dư của nhà đầu tư với giá 0 đồng là cách làm an toàn cho cơ quan quản lý. Bù lại, chính sách này sẽ gây lãng phí rất lớn về cơ hội phát triển điện tái tạo trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện rất lớn, phải nhập khẩu điện từ nước ngoài, phải mua nguồn với giá cao để bổ sung nguồn thiếu hụt.

Với góc nhìn khác, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group Phạm Đăng An phát biểu, từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi xanh đã nhanh chóng mở rộng và cuộc đua “nhà cung cấp xanh” đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Hàng ngàn tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã cam kết 100% năng lượng sử dụng là năng lượng tái tạo và họ yêu cầu các đối tác cung ứng hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu này. Muốn đáp ứng yêu cầu “nhà cung cấp xanh”, DN phải thực hiện được 3 phạm vi về báo cáo phát thải: các hoạt động kinh doanh trực tiếp; năng lượng và các nguồn năng lượng đã mua, đã sử dụng; toàn bộ chuỗi cung ứng. Như vậy, riêng năng lượng đã trở thành một trụ cột quan trọng, buộc phải phát triển năng lượng xanh.

“Với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu, chúng tôi đã thấy tinh thần cầu thị của Bộ Công thương. Hơn nữa, trong định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Việt Nam không xây thêm nhiệt điện than, mà chuyển đổi dần các nhà máy nhiệt điện than sang các loại hình điện khác sạch hơn, bền vững hơn”, ông An nói.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đăng An, điều mong muốn là trong dự thảo nghị định, Bộ Công thương cần đưa ra được một chính sách thiết thực về ĐMTMN, làm sao hỗ trợ được cho các DN phát triển, tăng tính cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa tại Việt Nam. Chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời trên các mái nhà xưởng rất lớn, trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết. Vì vậy, các DN mong muốn Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng để các DN là “hàng xóm” được bán điện cho nhau, hoặc cho đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư ĐMTMN.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, phát triển ĐMTMN vừa có mặt lợi và hại. Mặt lợi là sản lượng thừa được đưa lên lưới sẽ giúp tăng nguồn lực xã hội, giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải phân phối, giảm phát thải khí nhà kính…, và quan trọng nhất là giúp giảm sức ép về cung ứng điện. Nhưng mặt hại là để tăng huy động nguồn từ năng lượng tái tạo (trong đó có điện mặt trời) thì phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, điều áp dưới tải… do dư thừa nguồn vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều.

Cho nên, trong bối cảnh chúng ta chưa có kinh nghiệm áp dụng thực tế thì bước đầu đề xuất “giá 0 đồng” là phù hợp. Thứ nhất, EVN vẫn ghi nhận sản lượng. Thứ hai, chính sách này chỉ tạm thời và có tính chất thận trọng để chống trục lợi chính sách. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hài hòa cho các bên, có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này, ví dụ chỉ áp dụng chính sách này trong 3 năm hoặc 5 năm hoặc theo giai đoạn, ví dụ trong giai đoạn 2024-2027, Bộ Công thương nên tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí kỹ thuật, tác động pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó, Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm tùy thời điểm, khu vực địa lý.

Trước những băn khoăn về việc giá bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân đầu tư ĐMTMN, Cục Điều tiết Điện lực cho biết, việc phát triển loại hình ĐMTMN tự sản, tự tiêu cần phù hợp Quy hoạch điện 8. Theo đó, năng lượng mặt trời mái nhà của người dân, tại công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán vào lưới điện quốc gia. Cục Điều tiết Điện lực cũng nêu rõ, từ góc độ những nhà đầu tư, đều nhìn thấy những ưu điểm của ĐMTMN, trực tiếp nhất là chỉ đầu tư một lần mà sẽ giảm được chi phí mua điện hằng tháng từ công ty điện lực.

Tuy nhiên, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện. Nhấn mạnh cơ sở hạ tầng lưới điện từng bước được đầu tư trong những năm qua, song Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, không có nghĩa hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện, với đủ các mức công suất khác nhau. Trường hợp khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của EVN gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao.

Tin cùng chuyên mục