Băn khoăn... cân rác tính tiền

Từ ngày 1-1-2022, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, tùy vào khối lượng hoặc thể tích rác thải nhiều hay ít mà mỗi gia đình, cá nhân phải trả chi phí hàng tháng. Quy định này khiến những thành phố lớn, nơi có mật độ dân cư đông và có số lượng chung cư nhiều, băn khoăn cách thức triển khai. 
Thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ đảm bảo tính công bằng
Thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ đảm bảo tính công bằng

Xả rác nhiều, đóng tiền nhiều

Tại TPHCM, phí thu gom rác đang được cào bằng, người xả nhiều cũng giống người xả ít. Về tính theo hộ, đối với hộ gia đình có nhà mặt tiền đường, ở chung cư cao cấp hạng I, hạng II, có mức thu là 22.000 đồng/hộ/tháng. Còn với hộ gia đình nội thành có nhà trong hẻm, hộ dân ở chung cư hạng III, hạng IV, có mức giá 16.500 đồng/hộ/tháng. Riêng với hộ gia đình ở ngoại thành, vùng ven, có nhà trong hẻm là 11.000 đồng/hộ/tháng. Những mức giá quy định trên chỉ áp dụng với hệ thống thu gom rác công lập. Còn với lực lượng thu gom rác dân lập thì mức giá dao động trên dưới 50.000 đồng/hộ/tháng, phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hộ dân và lực lượng thu gom rác. 

Thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quy định mức phí thu rác dựa trên khối lượng rác phát sinh, đại diện các công ty công ích quận huyện trên địa bàn TPHCM cho rằng, việc xác định lại mức phí thu rác thải sinh hoạt là cần thiết. Bởi vì mức phí hiện tại đã lạc hậu, không đủ bù đắp cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nhất là tại các thành phố lớn có mật độ dân cư dày đặc. Trung bình mỗi năm, ngân sách thành phố phải chi hàng ngàn tỷ đồng chi trả cho công tác thu gom, xử lý rác thải. Việc triển khai quy định mới sẽ xóa bỏ cơ chế cào bằng giá thu gom rác thải, tạo sự công bằng với người xả rác. Về lâu dài, hình thức này sẽ tác động đến nhận thức của cộng đồng trong việc giảm thiểu rác thải phát sinh. Thế nhưng, việc triển khai quy định này trong thực tế là không dễ. 

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, tâm tư, cần phải có hướng dẫn cụ thể của thành phố thì các đơn vị mới triển khai được. Trong đó, phải tính đến đặc thù của TPHCM là địa bàn có số lượng chung cư lớn, người dân có thói quen đổ rác vào một ống chung. Thời gian bỏ rác lại không quy định cụ thể. Do đó, việc xác định khối lượng làm cơ sở để tính phí cho các hộ dân cần tính toán kỹ mới khả thi. Đồng tình, bà Vũ Thị Tường Vy, Chủ tịch HĐTV Công ty Dịch vụ công ích quận 3, cho biết, về nguyên tắc trả tiền theo khối lượng là hợp lý. Tuy nhiên, việc cân rác hàng ngày rất khó khăn, không thể cân mỗi ngày, rác thường bỏ ra trước nhà, có lúc không có người ở nhà, không đảm bảo cho lộ trình thu gom. Công ty chưa biết phương pháp tổ chức thế nào cho phù hợp, phải chờ hướng dẫn của thành phố. 

Đơn vị thực hiện “rối”

Theo phản ánh của một số quận, huyện, do mỗi địa bàn có những đặc thù riêng về hạ tầng nên các đơn vị đang trình kế hoạch lên lãnh đạo thành phố chờ hướng dẫn. Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết, phần lớn người dân chưa quen với cách tính phí xả rác theo khối lượng. Đại đa số người dân sinh sống ở quận 3 tại những ngôi nhà riêng lẻ, nên cần định mức rõ ràng cho loại này. Ngoài ra, quận cũng đang gặp khó trong việc xây dựng, ban hành giá tối đa với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do có quá nhiều công văn, quy định của các cơ quan ban ngành. UBND quận 3 kiến nghị thành phố cần có hướng dẫn cụ thể để thực hiện theo đúng quy định. Đại diện Phòng TN-MT quận 1 cũng cho biết, áp dụng quy định tính phí theo khối lượng với rác thải sinh hoạt được xem là giải pháp phù hợp để hạn chế tình trạng xả thải của người dân. Tuy nhiên, để quy định đi vào cuộc sống, cần có thời gian và chỉ đạo trực tiếp từ thành phố. 

Băn khoăn... cân rác tính tiền ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, hiện thành phố đang thu phí dịch vụ với rác thải sinh hoạt theo giá bình quân. Còn vấn đề đi đến từng hộ dân để cân rác rồi tính phí cũng như đảm bảo tính đúng, tính đủ với từng nguồn thải thì chưa thể thực hiện ngay được, thành phố đang triển khai theo lộ trình từng bước, từng phần.

Theo các chuyên gia môi trường, để có thể đảm bảo nguyên tắc người xả rác nhiều phải trả tiền nhiều, trước hết, TPHCM cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom và xử lý rác thải. Thực tế, hiện có đến 60% lượng rác thu gom tại hộ gia đình là do lực lượng thu gom rác dân lập phụ trách. Việc định giá thu gom rác cũng do họ tự thỏa thuận với người dân. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc hợp nhất lực lượng này dưới hình thức hợp tác xã hoặc công ty tư nhân nhưng rất ít đơn vị tham gia. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thực hiện các quy định nhằm cải thiện chất lượng môi trường của TPHCM còn khó khăn.

Khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn


PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐHQG TPHCM), cho rằng: “Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, thể tích là công bằng, hợp lý, người xả ít thì trả ít, người xả nhiều trả nhiều. Về mặt pháp lý, sẽ tạo ra được một chế tài nhất định bắt buộc người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định về hạ tầng như người dân không có thùng để phân loại, không phải nhà nào cũng rộng để đặt 2 thùng, việc quản lý cân đo đong đếm rác như thế nào… Đây chỉ là quy định triển khai bước đầu, xuống các địa phương cần có điều chỉnh cho phù hợp hơn.


Hơn 2.000 hộ dân tham gia dự án “Khu phố xanh”


Từ năm 2012, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã phối hợp một số đơn vị triển khai dự án “Khu phố xanh” ở quận Tân Phú. Đến nay, đã có hơn 2.000 hộ dân tham gia dự án này. Để khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, công ty hỗ trợ mỗi hộ gia đình 2 loại bao bì xanh và vàng. Sau đó, tình nguyện viên hướng dẫn người dân thực hiện phân loại và chuyển giao rác sinh hoạt. Theo đó, bao màu xanh chứa chất thải hữu cơ có thể dùng làm phân hữu cơ; bao màu vàng chứa chất thải vô cơ tái chế được như nhựa các loại, hộp giấy, vỏ lon bia, nước ngọt, bao ni lông… Rác vô cơ sẽ được người dân tích trữ trong một tuần và nhân viên vệ sinh sẽ thu gom mỗi tối chủ nhật. Lượng rác vô cơ của người dân chuyển giao sẽ được tham gia đổi thành những món quà thiết thực (gia vị nấu ăn, nhu yếu phẩm gia đình). Những món quà thu đổi được cung cấp bởi các doanh nghiệp xanh đã được chứng nhận thực hiện tốt các hoạt động môi trường, tham gia tích cực bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục