Nông dân là những người đang phải chịu nhiều rủi ro vì hiện nay đủ loại thiên tai, dịch bệnh năm nào cũng xảy ra và ngày càng gây thiệt hại nhiều hơn. Cách nay 30 năm, Nhà nước đã nghĩ tới việc bảo hiểm rủi ro cho người nông dân thông qua loại hình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), nhưng thực tế đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Doanh nghiệp thờ ơ
Suốt từ năm 2007 đến nay, không năm nào không xảy ra dịch heo tai xanh. Mỗi năm, có hàng chục vạn con heo bị chết, kéo theo cả núi tiền của người nông dân lam lũ gây dựng phải chôn vùi xuống đất. Rồi các bệnh dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Trên cây lúa thì rầy nâu, vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen ngày càng hoành hành, làm cho nông dân điêu đứng. Đó là chưa kể tới những hệ lụy theo kiểu “tai bay vạ gió” như tin đồn sữa có melamine, tôm có tạp chất… nên sữa không bán được buộc nông dân phải giết bò sữa, trứng gà bị ế nên nông dân bỏ không chuồng trại, gây thiệt hại rất nặng nề.
Thiệt hại còn do thiên tai như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, rét đậm rét hại… Năm nào cũng có 7-8 cơn bão. Mỗi lần bão dồn lũ dập, nhiều nông dân lại trắng tay, nhiều gia đình nghèo lại hoàn nghèo. Đặc biệt là với các chủ trang trại chăn nuôi bò sữa, tôm, heo, lúa, cá, cà phê… đang được coi là những điểm sáng “tam nông” nhưng mỗi lần xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì nông dân mất đi tiền tỷ, thậm chí sạt nghiệp, nhưng không có cơ sở nào bảo hiểm rủi ro cho họ.
Doanh nghiệp đầu tiên nhận BHNN cho nông dân là Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt). Ban đầu, việc bảo hiểm được thí điểm trên cây lúa ở 2 huyện Vụ Bản và Nam Ninh (Nam Định) vào năm 1983. Đến năm 1998, Bảo Việt mở rộng hình thức bảo hiểm cho cây lúa ra 26 tỉnh, thành với khoảng 200.000ha. Nhưng đến năm 1999, Bảo Việt buộc phải bỏ cuộc vì thu phí được 13 tỷ đồng thì phải bồi thường 14,4 tỷ đồng. Các gói BHNN khác cho vật nuôi cũng chung tình trạng chết yểu.
Ông Hoàng Xuân Điều, Phó Trưởng phòng Bảo hiểm xe cơ giới thuộc Bảo Việt, phụ trách lĩnh vực BHNN cho biết, hiện nay Bảo Việt đã dừng việc bảo hiểm cây lúa, chỉ áp dụng hạn chế cho một vài loại hình như chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội, TPHCM, Kon Tum, Tuyên Quang và trồng cao su ở Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước. Mới đây còn áp dụng thêm với nuôi cá tra, ba sa ở An Giang. “Tuy nhiên doanh thu mỗi năm từ BHNN của Bảo Việt chỉ có khoảng 2 tỷ đồng, nhưng mức bồi thường, chi trả có khi tăng tới 200%-300%”- ông Điều nói. Hiện trong số 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chỉ có 2 doanh nghiệp có dịch vụ BHNN là Bảo Việt và Tập đoàn Group Pama.
Quyết liệt triển khai
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác và phát triển (Bộ NN-PTNT) cho biết, tại đề án “tam nông”, Bộ NN-PTNT đã đề nghị cần có chính sách bảo hiểm cho nông dân. Mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án thí điểm BHNN. Nếu được áp dụng, đây sẽ là “liều thuốc” giúp nông dân vượt qua những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Theo ông Lê Song Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), điểm mới trong chính sách BHNN mà Bộ Tài chính đang đưa ra để khắc phục những nhược điểm đã từng gặp phải là Nhà nước sẽ hỗ trợ đáng kể cho người nông dân về phí khi tham gia BHNN. Cụ thể là nông dân nghèo có thể được hỗ trợ mức phí đóng bảo hiểm lên tới 80%-90%. Riêng những hộ không thuộc diện nghèo vẫn được hỗ trợ 60%. Còn lại là các tổ chức sản xuất nông nghiệp khác đều được hỗ trợ 50%. “Đây là động lực để thúc đẩy cả doanh nghiệp lẫn nông dân cùng hào hứng tham gia BHNN” - ông Lai nói.
Còn GS-TS Tô Duy Hợp, chuyên gia cao cấp về nghiên cứu nông thôn thuộc Viện Xã hội học Việt Nam bày tỏ: “Sản xuất nông nghiệp là đánh bạc với trời. Song có BHNN và được Nhà nước hỗ trợ thì nông dân sẽ an tâm hơn, đỡ rủi ro, phá sản hơn”.
Được biết, sau khi có dự thảo về chính sách BHNN cho nông dân theo hướng Nhà nước hỗ trợ nông dân đóng bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh, Group Pama, Công ty Bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp Việt Nam… đã và đang bắt đầu rục rịch chuẩn bị tham gia.
Phúc Hậu
Điêu đứng đầu ra Hơn 3 năm theo đuổi, đến nay mô hình sản xuất thanh long theo quy trình Global GAP của HTX Thanh Long chợ Gạo (Tiền Giang) vẫn chưa được chứng nhận. Nhiều nông dân tỏ ra nghi ngại khi bỏ ra nhiều công sức, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vẫn chưa mang lại lợi ích. Trong khi đó, đầu ra khó khăn, giá thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP bằng với giá thanh long sản xuất theo truyền thống, nông dân ngày càng bất an, nhiều người đang đòi thoái lui, HTX phải năn nỉ họ mới chịu ở lại. Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX cho biết thêm, thời gian qua, có nhiều đối tác đến tìm hiểu lấy thanh long của HTX đi chào hàng nhưng sau đó… mất dạng. Việc cung ứng thanh long cho các siêu thị nội địa cũng không dễ vì số lượng tiêu thụ ít, mỗi chuyến chỉ 300 - 500kg, lại không ổn định về thời gian và nhất là giá lời không cao nên người dân không mặn mà. Tương tự như thanh long, mô hình sản xuất 20ha Viet GAP của HTX Xoài cát Hòa Lộc Cái Bè cũng không khá hơn khi triển khai thực hiện từ hơn 3 năm nay nhưng vẫn chưa “về đích”. Đầu ra cũng là bài toán chưa có lời giải. “Mỗi năm HTX chỉ tiêu thụ khoảng 10% sản lượng toàn HTX, số còn lại nông dân phải bán theo giá cào bằng với bên ngoài nên khi xã viên thắc mắc chúng tôi đành… chịu thua”, ông Huỳnh Văn Sang, Phó chủ nhiệm HTX cho biết. Ngay cả vú sữa Lò Rèn, loại trái cây đặc sản của tỉnh đã áp dụng thành công quy trình Global GAP từ rất sớm cũng không thoát khỏi cảnh điêu đứng về đầu ra. HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Nhưng nghịch lý ở chỗ, từ khi được công nhận tiêu chuẩn trên, nhà đóng gói gần như “đóng cửa” suốt năm. Theo thống kê, năm 2008-2009 gần 7ha đạt tiêu chuẩn Global GAP thì xuất khẩu chỉ được 1 tấn, đến năm 2009-2010 toàn vùng có 55,3ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, sản lượng ước tính 450 tấn/năm nhưng chỉ xuất khẩu được khoảng 8 tấn, còn lại nông dân bán cào bằng với giá bên ngoài. Tương tự 26ha khóm Tân Phước đã đạt tiêu chuẩn Viet GAP nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “hấp hối”. “Khi chào bán bên ngoài, không ai biết khóm đạt tiêu chuẩn Viet GAP hay chưa đạt tiêu chuẩn nên mua với giá ngang bằng với khóm sản xuất theo quy trình truyền thống. Đem vào siêu thị thì được giá cao hơn nhưng ở đây chỉ tiêu thụ vài chục ký mỗi ngày. Trong khi nhà máy chế biến đặt mua với số lượng lớn thì không đủ hàng để bán, đành phải từ chối” - ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX NN Quyết Thắng huyện Tân Phước, đơn vị sở hữu thương hiệu khóm Tân Phước cho biết. Nhựt Đông |