Một triển lãm tranh với chất liệu giấy dó của một họa sĩ, nhà nghiên cứu có tiếng trong giới mỹ thuật vào tháng 4-2022, tại Hà Nội, khiến không ít khán giả không vui khi thu phí vé vào cổng 100.000 đồng/người/lượt. Câu chuyện này tiếp tục xuất hiện tại một triển lãm nhiếp ảnh ở TPHCM cũng vào tháng 4 - nhưng giá vé chưa đến một ly trà sữa, và một triển lãm cá nhân đang diễn ra tại một không gian triển lãm trên đường Hai Bà Trưng (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) với mức vé vào cổng 50.000 đồng/người/lượt.
Việc bán vé xem triển lãm tranh bấy lâu nay gần như là câu chuyện có cho vui. Bởi thói quen mua vé xem triển lãm của công chúng chưa cao, và một số không gian triển lãm quá sơ sài trong khâu tổ chức, dẫn đến bán vé một lần, khách đi không trở lại. Nhiều giám tuyển và nhà nghiên cứu mỹ thuật cũng đưa ra một số giải pháp linh hoạt như “private sales” (chương trình bán hàng đặc biệt, trong khoảng thời gian ngắn) để chiều lòng “thượng đế” và “chăm sóc” các nhà sưu tập tiềm năng. Sau đó là những ngày bán vé, hoặc nếu có khách đặc biệt thì vẫn có thể gửi thư mời, và ngày cuối nên mở cửa phục vụ miễn phí.
Trừ những triển lãm tuyên truyền, phục vụ cộng đồng hoặc được tài trợ trọn gói từ các quỹ hỗ trợ văn hóa, suy cho cùng, phòng tranh hay không gian triển lãm và bản thân họa sĩ mở ra những cuộc trưng bày cũng vì mục đích thương mại. Họa sĩ cần chi phí để tái đầu tư cho sáng tạo, không gian trưng bày cần chi phí để vận hành và duy trì cơ sở vật chất… Chuyện bán vé xem triển lãm cũng là một cách làm dễ hiểu.
Tuy nhiên, bán vé xem triển lãm và bán tranh trong triển lãm nên như thế nào để nghệ thuật được thăng hoa? Một triển lãm đang diễn ra tại không gian trưng bày (ở phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã bán 15/21 tranh trước giờ khai mạc. Đây là tín hiệu đáng mừng với thị trường tranh Việt. Tuy nhiên, với mục đích triển lãm thương mại, việc dán nơ (với những tác phẩm đã được bán) hơn một nửa số tranh trong triển lãm liệu có còn đủ tôn trọng dành cho những nhà sưu tập tìm đến khi chưa đến giờ khai mạc? Và tranh đã bán hơn một nửa thì khách hàng tiềm năng đâu còn đủ lựa chọn những tác phẩm ưng ý…
Bán vé thế nào để không mất lòng khách, bán tranh làm sao để đủ tinh tế và tôn trọng nhà sưu tập hẳn là bài toán không dễ dàng dành cho họa sĩ và các không gian triển lãm. Và trong đường dài, để nâng tầm văn hóa, nghệ thuật, bản thân khán giả cũng cần thay đổi góc nhìn về chuyện thưởng thức những sản phẩm tinh thần. Trả phí cho việc xem - nghe - đọc phải được nhìn nhận một cách sòng phẳng và công bằng trong những lĩnh vực khác nhau. Chúng ta sẵn sàng mua vé xem phim, xem kịch… thì chuyện mua vé xem triển lãm tranh cũng là điều bình thường. Việc không hài lòng hay triển lãm chưa xứng tầm bán vé, chắc chắn không thiếu phương tiện để góp ý.