Chiều cùng ngày, trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được các cơ quan từ trung ương đến địa phương quan tâm. Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, nhất là những văn bản thuộc các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (như thương mại, đất đai, xây dựng...), văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Chính phủ, các bộ, các địa phương phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật đặc thù cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 nên công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có chậm trễ so với tiến độ được phân công.
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp còn chưa đạt kết quả như đã đề ra. Việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 ở một số địa phương.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội.
Đáng chú ý là vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.
Góp ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề: từ tháng 10-2020 đến tháng 7-2021, Bộ Tư pháp đã phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.
Người đứng đầu Quốc hội bày tỏ quan điểm kiên quyết: “Cần phải làm rõ ban hành văn bản trái pháp luật thì hậu quả thế nào, nguyên nhân ở đâu, sau đó sửa thế nào, đình chỉ, thay thế ra sao. Phải xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nếu không, báo cáo xong lại huề cả làng”.