Theo đó, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông. Các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phải nộp phí theo quy định.
UBND TPHCM quy định 5 trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố không phải cấp phép gồm: tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm để xe hai bánh không thu tiền; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; bố trí đường dành cho xe đạp.
4 trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải cấp phép, gồm: tổ chức hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông giữ xe có thu phí.
Có 3 trường hợp được sử dụng tạm một phần lòng đường gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí trông giữ xe có thu phí.
Sở GTVT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, báo cáo UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét quyết định.