Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) có thể kê khai thuế TNDN bổ sung tại Việt Nam (theo các quy định/hướng dẫn của OECD) thay vì để họ nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.
Mặt khác, nghị quyết sẽ thể hiện rõ việc Việt Nam sẽ áp dụng thuế TTTC từ 1-1-2024, các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng có thể yên tâm về môi trường pháp lý để hoạch định chiến lược đầu tư, kinh doanh.
Ông Lê Quang Mạnh cũng nói rõ, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nội dung này cần ban hành nghị quyết thí điểm, nhưng Chính phủ đề nghị tên gọi của nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp.
Đây chỉ là vấn đề về hình thức văn bản, Việt Nam có thể giải trình khi thực hiện rà soát; tuy nhiên, để giảm tối đa các vướng mắc (có thể có) cho nhà đầu tư khi kê khai thuế tại nước mẹ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí việc không có chữ “thí điểm”. Đồng thời nhất trí trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2023 để cho ý kiến, thông qua theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp.
Nhấn mạnh đây chỉ là biện pháp tạm thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và dự kiến về thời gian hiệu lực thi hành để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong luật.
Đáng lưu ý, do dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế TTTC của Việt Nam và cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước liên quan, nên khi thực hiện có thể dẫn đến vướng mắc, khiếu nại về quyền thu thuế, cách tính toán số thuế phải nộp… của doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia. Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, việc áp dụng thuế TNDN bổ sung thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang trong thời gian ưu đãi và có mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%.
“Có những nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nộp thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn tại Việt Nam, song cũng có những nhà đầu tư nước ngoài muốn nộp thuế TTTC bổ sung tại nước mẹ. Vì vậy, để tránh các tranh chấp quốc tế có thể phát sinh, đề nghị dự thảo nghị quyết quy định nội dung này theo hướng thể hiện rõ việc bảo đảm nguyên tắc bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”, ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến còn phân vân việc không nêu rõ tính chất “thí điểm” ở tên gọi của nghị quyết. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nói: “Quốc hội đã ban hành thì không thể nói là không chắc chắn. Mặt khác, hồ sơ về thuế TNDN sửa đổi đã chuẩn bị đến đâu, có được trình Quốc hội không”. Ông Giang cũng yêu cầu ban soạn thảo đánh giá tính tương thích với luật pháp và các điều ước quốc tế, do đó cần có ý kiến của Bộ Ngoại giao.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành nghị quyết là để thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD đã có chủ trương.
“Nếu không đánh thuế thì chúng ta từ bỏ quyền định thuế của mình, phần nộp bổ sung doanh nghiệp họ sẽ nộp về chính quốc. Mình thất thu thuế, mất dòng đầu tư. Các doanh nghiệp đã đầu tư sẽ chuyển vốn về chính quốc. Vấn đề này tác động rất lớn. Khi đã đưa ra quyền đánh thuế của mình thì ta sẽ giành được quyền chủ động. Chúng tôi đề nghị bỏ từ “thí điểm” và đánh thuế luôn. Tới đây khi sửa Luật Thuế TNDN sẽ nghiên cứu đưa thuế này vào”, người đứng đầu ngành tài chính nêu rõ.
Ông Phớc cho hay đã rà soát 122 doanh nghiệp chịu thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam hiện nay, với khoản thu thuế khoảng 14.600 tỷ đồng. Do đó khi ban hành thuế này thì sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ đầu tư.
“Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, quy định cụ thể chặt chẽ rõ ràng các nội dung, phấn đấu ban hành trong tháng 12 để thuế này có hiệu lực từ 1-1-2024”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết.