Chiều 29-6, anh Hà Quốc Quy (ngụ phường 28, quận Bình Thạnh) đã bàn giao chim cổ rắn quý hiếm, thuộc nhóm 1B cho đại diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn để đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong chiều cùng ngày, ông Lâm Quốc Cường, nhân viên của Thảo Cầm Viên đã có mặt kiểm tra tình trạng sức khoẻ, vết thương của chú chim.
Ông Cường cho biết, chú chim được anh Quy bắt được là chim cổ rắn hay còn gọi là chim điên điển được kiểm lâm xếp vào nhóm 1B, tức là nhóm thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Sau khi kiểm tra vết thương của chú chim, ông Cường đã tiến hành cho vào thùng và đưa về Thảo Cầm Viên Sài Gòn để chăm sóc nuôi dưỡng.
Như SGGP đã thông tin, khoảng 15 giờ ngày 28-6, anh Quy cùng với người em đi thăm dớn (một dụng cụ để bắt thủy sản) ở khu vực đồng nước gần nhà thì phát hiện một con vật gì đó nhảy từ lùm cây bình bát xuống mặt nước tạo ra tiếng động rất lớn.
Anh Quy liền giăng lưới xuống mặt nước ở lùm cây. Khi lại kiểm tra lưới thì phát hiện có một con chim dính vào tấm lưới. Anh Quy gỡ lưới bắt con chim ra và dự tính thả về tự nhiên nhưng thấy cánh chim bị thương nên không dám thả.
Trong quá trình chăm sóc, anh Quy đã lên mạng tra cứu và phát hiện đây là chim cổ rắn quý hiếm. Sau đó, anh liền gọi điện thoại liên hệ với Thảo Cầm Viên Sài Gòn để đưa chú chim này về chăm sóc.
Phía Thảo Cầm Viên đã hẹn ngày 29-6 sẽ xuống kiểm tra và tiếp nhận.
Nhân viên Thảo Cầm Viên kiểm tra vết thương và tiếp nhận chim cổ rắn mang về nuôi dưỡng Trước đó, khoảng tháng 11-2016, một người dân ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cũng phát hiện một con chim lạ có hình dạng giống chim cổ rắn đang kiếm mồi tại vườn nhà. Người này đã tìm cách bắt con chim.
Theo khảo sát của Cục Kiểm lâm, đây có thể là chim cổ rắn, là loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chim có cổ dài, nặng trên 1kg. Sau đó, con chim này đã được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang chăm sóc và nuôi dưỡng.
Theo Bách khoa toàn thư mở, chim cổ rắn là các loài chim trong họ Anhingidae, bộ chim điên (trước đây xếp trong bộ Bồ nông). Hiện nay còn tồn tại tổng cộng 4 loài trong một chi duy nhất; một trong số đó hiện đang ở tình trạng gần bị đe dọa tuyệt chủng.
Chúng được gọi là chim cổ rắn vì có cổ dài, mảnh dẻ, tạo ra bề ngoài tương tự như những con rắn khi chúng bơi. Chim cổ rắn sinh sống trong môi trường nước ngọt hoặc lợ. Thức ăn chủ yếu của chim cổ rắn là cá có kích thước trung bình, ếch, rắn, rùa, côn trùng, tép....
Tin, clip - CHÍ PHƯỚC