Đây là đợt bàn giao đất lần thứ 2 để phục vụ công tác xây dựng mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng, khi mà USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tiếp tục hợp tác để xử lý đất và bùn ô nhiễm dioxin tại nơi trước đây từng là căn cứ không quân của Hoa Kỳ.
Việc bản giao đất Giai đoạn 2 hôm nay là thành quả, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ) triển khai thành công Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin bằng nguồn tài trợ chính từ nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA) của Chính phủ Hoa Kỳ.
Và theo đúng chủ trương của Thường vụ Quân ủy Trung ương, xử lý dioxin xong sẽ bàn giao ngay đất sạch để mở rộng sân bay Đà Nẵng phục vụ phát triển kinh tế TP Đà Nẵng và miền Trung - Tây nguyên, nay Bộ Quốc phòng tiếp tục bàn giao 12,7ha cho Bộ GTVT để mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Dự kiến vào quý 1/2018, khi Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng kết thúc, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục bàn giao Giai đoạn 3, toàn bộ phần diện tích còn lại khoảng 16ha để Bộ GTVT triển khai đồng bộ việc mở rộng sân bay theo quy hoạch của Chính phủ.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh cho biết: Ngoài sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa do Bộ Quốc phòng quản lý đang là điểm nóng về ô nhiễm dioxin lớn nhất và đồng thời đang chịu áp lực rất lớn về quy hoạch do tiếp nhận các đơn vị chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về đóng quân để Bộ Quốc phòng bàn giao đất phục vụ chống ách tắc và quá tái sân bay Tân Sơn Nhất.
Để sớm quy hoạch sân bay, công tác xử lý dioxin, giải phóng đất sạch đòi hỏi càng tiến hành càng sớm càng tốt. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã không ngừng đàm phán với USAID để đảm bảo ngay khi kết thúc Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức khởi công Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hoa Kỳ (theo đúng như cam kết của Tổng thống Obama khi sang thăm Việt Nam vào năm 2016); Dự án kết thúc sẽ tẩy độc trên 51ha phục vụ quốc phòng an ninh và phát hiển kinh tế - xã hội cho địa phương mà thực chất là giải phóng được hơn 1.000ha đất của sân bay Biên Hòa.
Theo số liệu mới nhất, hiện nay trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam vẫn còn rất lớn diện tích bị ô nhiễm bom mìn, dioxin (khoảng gần 6 triệu ha). Điều này không chỉ tiềm tàng nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Để tạo thể chế, hành lang pháp lý tốt nhất cho công việc khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) do Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng làm cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo với mục tiêu tập trung sự lãnh đạo, chỉ huy, nguồn lực để đẩy nhanh công việc khắc phục hậu quả và một trong các nội dung quan trọng là sớm giải phóng đất đai phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh.
Ngay trong tháng 9-2017, Bộ Quốc phòng sẽ chính thức triển khai Dự án Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc trị giá 20 triệu USD, nguồn lực trang thiết bị và công sức người lính của Bộ Quốc phòng khoảng 9 triệu USD.
Theo kế hoạch, đến hết 2019 sẽ rà phá bom mìn, vật nổ giải phóng được 8.000ha đất sạch để bàn giao cho tỉnh Bình Định và Quảng Nam để phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh.
Để đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra, Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng sử dụng mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, kể cả vốn vay ưu đãi để đẩy nhanh nhất công việc khắc phục hậu quả chiến tranh và trong đó Bộ Quốc phòng là lực lượng nòng cốt trong việc xử lý đất đai ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học.