Bạn đọc cần gì ở Báo SGGP?

LTS: Từ ngày xuất bản số đầu tiên cách đây 49 năm, Báo SGGP luôn lắng nghe góp ý và nguyện vọng của bạn đọc, liên tục thực hiện cải tiến về hình thức và nội dung. Với phương châm duy nhất: Phụng sự bạn đọc, không có tốt nhất, phải luôn tốt hơn.

Bạn đọc gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến Báo SGGP. Ảnh: NGA TRẦN
Bạn đọc gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến Báo SGGP. Ảnh: NGA TRẦN

Ông NGUYỄN HUỲNH, Cựu cán bộ Tổng cục Thống kê:

Tháng 4-1975, tôi đang là Cục phó Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, theo yêu cầu của cấp trên, chúng tôi đã theo bước chân quân giải phóng để có mặt ngay sau thời khắc miền Nam giải phóng. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là tiếp quản Viện Quốc gia Thống kê của chính quyền Sài Gòn. Năm ngày sau, Báo SGGP phát hành số đầu tiên. Và, kể từ đó, tôi trở thành bạn đọc thân thiết của Báo SGGP. Khi còn làm việc thì cơ quan mua Báo SGGP, lúc về hưu thì tôi đặt Báo SGGP… Tôi đã gắn bó với Báo SGGP 49 năm.

nguyen-huynh.jpg
Ông Nguyễn Huỳnh, Cựu cán bộ Tổng cục Thống kê

Thời điểm ấy, đọc Báo SGGP không chỉ là yêu thích mà còn là nhiệm vụ của người làm công tác thống kê. Chúng tôi đọc Báo SGGP rất kỹ để so sánh các số liệu mà mình ghi nhận có chính xác không, cũng như tiếp thu, ghi nhận thêm những số liệu khác. Trải qua gần nửa thế kỷ, Báo SGGP đã phát triển và thay đổi rất nhiều, cả về diện mạo lẫn nội dung. Tin, bài phong phú; tin tức thời sự bao phủ tất cả vùng miền. Tôi mong tờ báo ngày càng chắt lọc thông tin, đứng vững trong bối cảnh truyền thông internet hiện nay.

Chị MAI HẢI YẾN, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TPHCM:

Trong chặng đường song hành cùng sự phát triển của TPHCM, Báo SGGP đã và đang khẳng định vị trí của mình trên “bản đồ” các tờ báo uy tín hiện nay và thể hiện được bản sắc rất riêng của tờ báo Đảng.

Tôi mong rằng Báo SGGP tiếp tục quan tâm, nắm bắt sát hơn nữa thị hiếu người trẻ, phát triển mạnh việc truyền tải thông tin đa nền tảng, đầu tư thực hiện những chuyên mục tin nhanh, tin nóng.

Ý-kiến-bạn-đọc-trẻ.jpg
Chị Mai Hải Yến, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TPHCM

Là độc giả trẻ của Báo SGGP, tôi kỳ vọng thông tin trên mặt báo phải thật sự là tiếng nói hai chiều. Trong đó, vừa kịp thời truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền đến nhân dân, vừa phản ánh chính xác, đầy đủ những đề xuất, kiến nghị, những vấn đề trong đời sống đến các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời giải quyết. Đồng thời tiếp tục là cầu nối vững chắc giữa ý Đảng và lòng dân, góp phần phát triển TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nhà báo MINH TRÂM, Tạp chí Nông Thôn Việt: Tôi từng chứng kiến và kể câu chuyện về một thế hệ người Việt thời hậu chiến sống day dứt trong nỗi ám ảnh “chưa tận nghĩa” tại Cuộc thi Tỏa sáng giá trị Việt của Báo SGGP. Và cuộc thi trở thành một “hậu kỳ” đẹp đẽ của câu chuyện lớn đã khởi lên từ những nhân vật. Ở đó, chúng tôi được biết đến nhiều người có một hành trình đồ sộ. Ở đó, có nhiều người làm nội dung, nhiều ê kíp “chịu” dừng lại ở những câu chuyện đẹp nhưng không thật “hút khách” giữa thời buổi của “drama”, tin tức giật gân, chóng vánh. Và ở đó, có cả một tờ báo uy tín đứng ra kết nối nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng đồng hành để chăm chút, tôn vinh và lan tỏa những câu chuyện đẹp, với khát vọng “tỏa sáng giá trị Việt”.

Minh-Tram.jpg
Nhà báo Minh Tâm, Tạp chí Nông Thôn Việt

Những câu chuyện đẹp vẫn luôn hiện diện, nhưng không nhiều chuyện đẹp được kể. “Tỏa sáng giá trị Việt” là nơi kể lên những câu chuyện đó. Từ cuộc thi, nhìn ngược về hành trình của người làm nội dung và hành trình sống của nhân vật - mới thấy, từng câu chuyện phải được viết ra và lan tỏa thì mới trở thành tư liệu. Tư liệu ấy truyền đời, giúp thế hệ sau có manh mối để biết rằng nước Việt từng có một thế hệ như thế, những con người như thế và những câu chuyện đẹp như thế. Theo tôi, giá trị văn khố, tư liệu và tính kết nối thế hệ là giá trị lớn nhất mà cuộc thi đã mang lại cho cộng đồng.

Cuối cùng, tôi, những người dự thi khác và từng nhân tố trong ban tổ chức cuộc thi cũng dự phần vào câu chuyện ý nghĩa khởi lên từ những nhân vật. Câu chuyện lớn mà chúng tôi trải nghiệm với cuộc thi này chính là câu chuyện về sự tiếp nhận, phép hành xử với những điều đẹp đẽ mà chúng ta đã trải, đã thấy, đã rung động. Để tri ân và lan tỏa, để nuôi nấng tình yêu, sự đồng cảm và đặc biệt là nhận thức về sức mạnh cộng đồng của người Việt, mong rằng ngày càng nhiều người bước vào hành trình của Tỏa sáng giá trị Việt. Và mong báo chí ngày càng có nhiều cuộc thi nhân văn như thế để nuôi dưỡng mạch nội dung đẹp đẽ, giàu giá trị với tinh thần cộng đồng, để tạo cơ hội cho từng người có thể thực hiện trách nhiệm cộng đồng từ những điều họ vẫn mắt thấy, tai nghe.

@ Ngọc Bích Trương: Báo SGGP online ra mắt giao diện mới có cách trình bày sang hơn, màu sắc bắt mắt hơn và dễ dàng tìm kiếm các bài viết, chuyên mục hấp dẫn nhất trong ngày. Tuy nhiên, báo vẫn cần sinh động và có nhiều tiện ích hơn. Nhiều bài viết hiện chỉ có 1-2 hình, chữ nhiều. Ngoài ra, báo nên có những cập nhật thông tin về giá vàng, giá xăng, chứng khoán…mỗi ngày như một kênh tham chiếu hàng ngày cho người dân.

@Hue cao: Báo SGGP cần có những bài viết góp ý, phản biện mạnh mẽ, làm tốt chức năng dẫn dắt thông tin.

@tranthanhngoc…@gmail.com: Báo đã làm rất tốt công tác tiếp bạn đọc và mong trong thời gian tới báo cần nhanh, mạnh và xông xáo hơn với những tờ đơn, lá thư của người dân gửi đến. Đó là nỗi niềm của những bạn đọc tin tưởng trao cho tờ báo lớn như SGGP để mong vấn đề của mình được nhanh chóng giải quyết. Do đó, rất mong báo không chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn thư của bạn đọc đến cơ quan chức năng, mà cần thúc đẩy để có câu trả lời thỏa đáng.

@robot: Rất muốn Báo SGGP có nhiều bài infographic chuyên sâu, video đa dạng hơn…

@bandocthanthiet: Tôi đã đọc Báo SGGP nhiều năm rồi, phong cách của tờ báo vẫn chín chắn và ổn định, có phần “già” so với báo chí hiện đại. Nhưng tôi thích điều này bởi vì mỗi ngày có quá nhiều thông tin trên mạng xã hội với cách viết giật gân, độ xác thực khó kiểm chứng khiến người dân bị ngộp trong mớ thông tin.

Tin cùng chuyên mục