Ngày 24-4, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể thứ 8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến thẩm tra về các báo cáo của Bộ Y tế, gồm: báo cáo bổ sung đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2017 và tình hình thực hiện nhiệm vụ 3 tháng đầu năm 2018; báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, an ninh trật tự, an toàn tại một số bệnh viện chưa được đảm bảo. Trong quý 1 năm 2018 tiếp tục xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ tại Bệnh viện sản nhi Yên Bái, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội…
Nhiều thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về vấn đề này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi cho rằng, xã hội có 2 “ông thầy” là thầy thuốc và thầy giáo, nhưng lại đang có sự coi thường với 2 ông thầy này.
“Qua giám sát tại 7 tỉnh thì các địa phương cũng rất bức xúc về tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ. Cần có tiếng nói và những việc làm mạnh mẽ hơn để thay đổi nhận thức, chứ nếu không là rất gay”, ông Lợi bày tỏ.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đặt vấn đề cụ thể hơn: “Trường hợp này có khép được tội tấn công người thi hành công vụ hay không? Xử lý hành chính về tội gây rối mất trật tự xã hội không đủ tính răn đe”. Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần có lực lượng pháp chế để bảo vệ bác sỹ.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) thì băn khoăn, ngành công an cũng không đủ người để tăng cường lực lượng bảo vệ cho bệnh viện, do đó Chính phủ cần chỉ đạo chính quyền địa phương vào cuộc.
Đồng tình với ĐB Phong Lan, ông Thắng nhận định: “Coi đây là gây rối trật tự công cộng rồi xử lý hành chính là không triệt để. Khuyên bác sỹ “tự bảo vệ” chỉ là biện pháp phụ, vì bác sỹ không phải là những người dùng sức lực để chiến đấu được”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chia sẻ tâm tư với hội nghị khi cho biết, chính bà cũng đang cảm thấy “rất đơn độc” trong nhiệm vụ đối phó với bạo lực y tế.
“Tôi đã 2 lần lên truyền hình trả lời phỏng vấn về vấn đề này, thực sự là không muốn lên, nhưng vì ngành y tế đang quá đơn độc. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và báo chí phải vào cuộc cùng. Bác sỹ có võ cũng không ăn thua, nếu có lực lượng 113 đi tuần tra mới giải quyết được. Chứ ban đêm bác sỹ có kêu thì ai đến cứu?”, nữ Bộ trưởng phát biểu.