Từ công khai đến lén lút
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến khu đất cặp quốc lộ 63 của ông Trần Văn Biên (ấp 4, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) để ghi nhận tình hình khai thác đất mặt ruộng trái phép nơi đây. Khu đất được che chắn bằng các tấm tôn để bên ngoài không nhìn thấy việc khai thác đất mặt ruộng. Đường dẫn vận chuyển đất từ phía trong ra quốc lộ 63 cũng được đóng lại, chỉ khi xe ra vào vận chuyển thì mới mở ra.
Theo ghi nhận, toàn bộ khu đất rộng khoảng 22.000m² có 3 vị trí bị khai thác. Vị trí đất mặt ruộng bị lấy nhiều nhất là khu vực phía sau tiếp giáp với mương thủy lợi. Phạm vi mặt bằng đất mặt ruộng bị lấy khoảng 800m², sâu xuống khoảng 3,5m. Hai vị trí bị lấy đất mặt ruộng còn lại tại khu đất này cũng khá lớn và đào sâu phía dưới.
Theo người dân địa phương, tình trạng bán đất mặt ruộng đã diễn ra 2 mùa khô. Trước đây, việc vận chuyển đất mặt ruộng vào ban ngày. Tuy nhiên, khi bị chính quyền địa phương “sờ gáy” thì chủ đất chuyển sang vận chuyển ban đêm nhằm “né” cảnh sát giao thông.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Văn Biên giải thích khu đất này ông đang làm dự án trang trại cá chình và khu bảo tồn cá đồng. Theo ông Biên, dự án (đang điều chỉnh) đã gửi cấp thẩm quyền nhưng chưa được phê duyệt.
Trả lời câu hỏi về việc khai thác đất mặt ruộng với mục đích gì thì ông Biên giải thích đào ao nuôi cá, phần đất được đào lên thì tập kết tại khu cặp quốc lộ và san lấp chỗ trũng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì việc giải thích của ông Biên không hợp lý bởi khối lượng đất đã lấy tại 3 vị trí khá lớn và sâu nhưng phần đất tập kết thì khối lượng không đáng kể. Điều đó cho thấy phần lớn đất mặt ruộng đã chuyển đi nơi khác.
Theo UBND xã An Xuyên, khu vực đất của ông Biên là đất quy hoạch sản xuất lúa. Trước đây, ông Biên có làm đơn gửi xã xin chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang nuôi cá (cá chình, cá bóng tượng, cá đồng) và trồng cây. UBND xã chuyển đơn lên UBND TP Cà Mau nhưng yêu cầu của ông Biên không được chấp nhận vì không phù hợp quy hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã An Xuyên, cho biết: “Trong thời gian xin phép thì ông Biên cho dỡ lớp đất mặt ruộng không phải để đắp bờ mà vận chuyển đi bán cho các công trình có nhu cầu san lấp mặt bằng. UBND xã đã lập nhiều biên bản nên ông Biên chuyển sang vận chuyển vào ban đêm. UBND TP Cà Mau đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Biên 15 triệu đồng về việc khai thác đất mặt ruộng trái phép”.
Tại Bạc Liêu, người dân phản ánh từ đầu năm trở lại đây, tuyến đường quốc lộ 91C (đoạn qua xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) trở thành “nỗi khốn khổ” vì xe ben chở đất gây ra.
Theo ghi nhận, tại hai khu vực khai thác đất mặt của hộ ông Dương Vĩ Lâm (ấp Công Điền) và hộ ông Lâm Hoàng Minh (ấp Vĩnh An) xe ben lấy đất mặt ra vào liên tục. Tại vị trí xe cuốc lấy đất đưa lên xe ben bụi bay mù mịt, khi chất đầy tải thì xe “bò” ra quốc lộ và chạy đi các nơi có nhu cầu san lấp mặt bằng. Do các xe ben phủ bạt không kỹ nên đất rơi xuống đường vương vãi.
Trong khi đó, quốc lộ 91C mặt đường khá hẹp, xe chở đất lưu thông với tốc độ khá cao nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. “Hiện đang là mùa cao điểm sang lấp mặt bằng nên xe ben chở đất chạy qua lại dập dìu. Khi nó chạy qua thì bụi mặt đường bay mù mịt khiến các em học sinh, người chạy xe máy lãnh đủ vì hít phải bụi”, một người dân bức xúc.
Ông Hà Quang Liêu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch, cho biết đã lập biên bản nhắc nhở việc hai hộ Dương Vĩ Lâm và Lâm Hoàng Minh khai thác đất mặt trái phép. Tuy nhiên, sau khi xã lập biên bản thì hai hộ này chuyển qua làm ban đêm.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Tình trạng khai thác đất mặt ruộng, đất nuôi trồng thủy sản để san lấp mặt bằng diễn ra nhiều nơi tại ĐBSCL. Theo quy định, trước khi khai thác đất để làm mục đích khác như san lấp mặt công trình xây dựng thì phải xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Còn đối với đất mặt ruộng trồng lúa thì hầu hết địa phương cấm khai thác.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân bán đất mặt ruộng giải thích nguyên nhân là vì đất bị gò, khó sản xuất. Vì vậy, bán lớp đất mặt không chỉ trồng lúa thuận lợi mà còn có tiền. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì tầng đất mặt rất quan trọng trong trồng lúa vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng và hữu cơ. Vì vậy, nếu lấy đi lớp đất mặt thì trồng lúa kém phát triển hơn, phải dùng nhiều phân bón, năng suất lúa bị giảm.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán đất làm vật liệu xây dựng thông thường trái phép, gây ô nhiễm môi trường, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách nhà nước; công tác quản lý, giám sát, vận chuyển đất làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết khuyến khích các tổ chức, cá nhân cải tạo mặt đất trồng lúa trong phạm vi thửa đất của mình. Trong trường hợp cải tạo mặt đất trồng lúa và có nhu cầu chuyển đất ra ngoài phạm vi thửa đất để làm vật liệu xây dựng thông thường phải có giải pháp cải tạo giữ được tầng đất canh tác và phải làm thủ tục xin phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Còn tại tỉnh Cà Mau, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh này cho biết đã có văn bản yêu cầu các huyện thống kê tình hình khai thác đất trái phép theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo yêu cầu, ngày 24-4 các địa phương báo cáo về sở.
“Sau khi các địa phương báo cáo lên, sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra. Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau không có phê duyệt dự án nào khai thác đất mặt, trừ việc tận thu đất lòng sông. Khi nào chuyển mục đích sử dụng như khu đô thị, khu nuôi tôm cần phải cải tạo ao đầm thì được cải tạo đất mặt nhưng theo quy định và hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền. Còn với đất nông nghiệp thì không cho khai thác đất mặt ruộng để san lấp mặt bằng”, ông Lên cho biết.