Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ráo riết tập trận
Cuộc tập trận giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi quân đội Mỹ và Nhật Bản cũng tiến hành một cuộc tập trận chung trên bầu trời phía Tây đảo Kyushu thuộc vùng biển Nhật Bản, với sự tham gia của 8 máy bay chiến đấu của Nhật Bản và 4 của Mỹ. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hội đàm với người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đặt tại Hawaii, Đô đốc John Aquilino.
Cùng ngày 5-10, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết phản đối các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên, trong đó vụ phóng ngày 4-10, tên lửa của Triều Tiên đã bay qua không phận Nhật Bản lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, khiến nước này phải kích hoạt hệ thống cảnh báo khẩn cấp ở một số vùng. Theo nghị quyết, kể từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã thực hiện 20 vụ phóng tên lửa đạn đạo và Hạ viện Nhật Bản cho rằng, các vụ phóng này đã tạo ra mối đe dọa tiềm tàng và nghiêm trọng cho an ninh của Nhật Bản. Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp này cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản cần thúc giục các nước thành viên Liên hiệp quốc (LHQ) thực thi triệt để biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên theo đúng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời thuyết phục các nước áp dụng biện pháp nghiêm khắc và có hiệu quả đối với Triều Tiên.
Nga, Trung Quốc phản đối họp công khai
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản của Triều Tiên, bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại với các bên chủ chốt nhằm hướng tới “phi hạt nhân hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên”. Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố nhấn mạnh, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản là một hành động “liều lĩnh và cố ý khiêu khích”, vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. EU kêu gọi Triều Tiên ngừng phóng tên lửa, kiềm chế thử hạt nhân và tham gia đối thoại có ý nghĩa với Mỹ, Hàn Quốc và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế về nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Sau cuộc điện đàm tối 4-10 với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ họp công khai về Triều Tiên. Đề xuất của Mỹ nhận được sự ủng hộ của các nước Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc thông báo phản đối tổ chức họp công khai, cho rằng phản ứng của Hội đồng Bảo an nên tập trung vào giảm căng thẳng tình hình tại bán đảo Triều Tiên. Phát biểu với hãng tin Kyodo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ “theo đuổi chính sách tìm kiếm thỏa thuận chính trị về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết các mối lo ngại của nhau một cách cân bằng thông qua đối thoại”.
Theo nhận định của giới quan sát, các vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên cho thấy mong muốn phô trương sức mạnh trong bối cảnh chính trị toàn cầu đang trở nên phân cực. Chính bối cảnh quốc tế này đã khiến Bình Nhưỡng phải đưa ra các biện pháp cứng rắn và quyết đoán hơn, như là một nỗ lực bằng cách nào đó để khởi động lại các cuộc đàm phán về việc xem xét lại các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, cùng với bất đồng Đông - Tây ngày càng lớn, Triều Tiên có thể trở thành một phần của sự bế tắc này.