Dĩ nhiên, có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương với đấng sinh thành nhưng sẽ thật khó để giải thích nếu ngay cả cách đơn giản nhất để thể hiện bạn cũng không làm được.
Nụ hôn của tình yêu gia đình
Nhà văn Võ Thu Hương trải lòng về thời khắc chị phát hiện mẹ bị bệnh nan y, “tôi tình cờ nhìn thấy cậu bạn học chưa hết lớp 9 đi chăm mẹ của bạn cùng phòng bệnh với mẹ tôi. Cậu ấy nói năng bỗ bã, nhưng rất hay cúi xuống hôn mẹ, động viên mẹ. Tôi chưa bao giờ làm như cậu cả nên cũng thử làm theo và nhận ra giá trị của nụ hôn lên má mẹ mình, lúc ấy đầy mùi mồ hôi và thuốc kháng sinh bác sĩ truyền vào người trong giai đoạn cuối, có thể sưởi ấm mình mãi đến sau này.” Đó chính là thời khắc nhà văn Võ Thu Hương nảy sinh ý tưởng và sau đó là cuốn tản văn Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa? (Thương hiệu sách Sống của Alphabook cùng NXB Lao động Xã hội xuất bản) ra mắt. Đọc xong cuốn sách này, Đại đức Thích Hạnh Huệ nhận xét: “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa? viết về những điều bình dị nhưng chạm vào cảm xúc vì đó là những câu chuyện về tình cảm thiêng liêng, yêu mến giữa bố, mẹ, con cái. Sách cũng giúp các bạn độc giả trẻ có dịp ngẫm lại mình, về cách mình phải làm thế nào để gần gũi hơn, sẻ chia nhiều hơn cùng cha mẹ”.
Những cái ôm hôn, nghe có vẻ rất bình thường với những đôi yêu nhau hay những cặp tình nhân, nhưng những điều bình thường đó, có bao giờ bạn nghĩ sẽ thực hiện với người thân yêu nhất của mình, những người mà sự gắn kết hơn mọi tình cảm khác. Nhà văn Phương Huyền đồng cảm với tác phẩm và tâm sự: “Những cái ôm hay hôn không ở trong văn hóa Việt nhưng nó rất cần, đặc biệt với các cú sốc tâm lý. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu có con, mình đã có ý thức thay đổi văn hóa trong gia đình nhỏ của chính mình, có lẽ từ nỗi khát khao từ bên trong đối với mẹ. Bắt đầu từ mối quan hệ vợ chồng, chúng mình ôm hôn nhau khi hạnh phúc và những lúc khổ đau, giận hờn, đơn giản là mình cần điều đó ở người bạn đời. Chúng mình ôm hôn con, và ngược lại, mong muốn cái ôm hôn của con cái để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc... Đôi khi đó là một lời xin lỗi, là một sự không hài lòng... Nó chứa đựng nhiều điều không cần nói thành lời. Những người trong gia đình vẫn có thể hiểu ý nghĩa của cái ôm với nhiều cảm xúc và hàm ý”.
Nhiều phụ huynh khi nghe nhắc đến chuyện thể hiện tình cảm gia đình đã chia sẻ về cách thể hiện tình cảm trong gia đình mình, trao đổi về nếp sống truyền thống và đời sống đương đại hiện nay trong mỗi nếp nhà. Từ Nha Trang vào TPHCM để tham gia buổi giao lưu, cô giáo Nguyễn Thu Thủy rơi nước mắt khi bộc bạch: “Tôi nhớ lại câu chuyện của chính mình. Cuộc đời vô thường, cha mẹ không sống đời cùng bạn, không sống đủ dài để chúng ta ân hận và ôm hôn bố mẹ một lần. Ngay cả chính mình, ta cũng đâu có biết trước ngày mai. Vậy, hãy hôn bố mẹ khi người còn bên ta và ta còn có thể. Khi cha mẹ hóa vào thinh không ta sẽ nhẹ nhàng xem như mẹ cha từ bỏ cõi tạm, hẹn gặp ta ở một nhân duyên kiếp luân hồi”.
Những nỗi nhớ không muộn
Không phải ngẫu nhiên, cuốn sách Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa? của nhà văn Võ Thu Hương ra mắt bạn đọc đúng mùa Vu Lan năm 2018. Khi đọc qua tác phẩm, nhiều bạn đọc bỗng giật mình, bởi qua tác phẩm, họ chợt thấy, mình chỉ nhận ra những gì quý giá nhất khi nó sắp sửa mất đi. Chị Mai Chi, ngụ tại quận Gò Vấp, nhớ lại cái cảm giác ngày phát hiện bố bị bệnh nan y. Lúc đó chị vẫn còn tuổi teen, cảm xúc của một đứa trẻ lờ mờ suy nghĩ một ngày nào đó không xa mình sẽ mất bố thật rối bời, hoang mang. Bố phải ăn kiêng, ngủ riêng và tránh tiếp xúc với đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ngày này qua tháng khác, rồi thời gian tính đến 5 năm, 10 năm... cả nhà cùng mẹ và bố chống chọi với bệnh tật, còn mình... rất nhiều lần đấu tranh nội tâm để làm duy nhất một việc... được ôm bố vào lòng như một đứa trẻ, mình biết bố rất cần và mình cũng rất cần, nhưng không thể làm nổi, bởi đơn giản, mình và bố không học làm việc đó khi cùng có mặt ở trên đời... Hơn 20 năm ở cạnh chăm sóc bố, số lần ôm bố như vậy chưa đủ 10 đầu ngón tay. Chỉ những lúc nào bố đã rất mệt, cận kề ngưỡng tử, mình nhào vào ôm bố để giữ mãi bên mình với đôi dòng nước mắt, khi bản năng kết nối trỗi dậy, mình mới có thể làm việc này một cách tự nhiên nhất.
Với Võ Thu Hương, tác giả của cuốn sách, tình yêu là một hành trình dài vô tận. Cha mẹ yêu thương ta, con người sống trong tình yêu thương rồi sẽ biết yêu thương người khác. Cứ thế nối dài vô tận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đâu chỉ có người lớn dạy con trẻ biết yêu thương, đôi khi người lớn cũng được những bài học thương yêu ngọt ngào từ lũ nhóc và cũng mong chờ tình yêu thương của lũ nhóc. Còn với những bạn đọc, nhiều người cũng giãi bày băn khoăn, làm sao để thể hiện tình yêu với cha mẹ, làm sao để bớt khoảng cách thế hệ, làm sao để thấu hiểu tâm lý người lớn tuổi... Một số bạn trẻ đặt câu hỏi, con cái yêu thương, hiếu thảo với bố mẹ nhưng yêu cầu của cuộc sống, tình yêu thương liệu chăng cần phải có tiền bạc, có sự thành công… Có ý kiến thẳng thắn đặt ra phải chăng mình học giỏi, kiếm được nhiều tiền, mình thành công trong sự nghiệp cũng là một cách yêu thương, cũng là một cách báo hiếu. Nhưng với tình yêu thương dành cho bố mẹ thì không nhất thiết phải có tiền, thành công mới bộc bạch được. Mỗi người ai cũng có thể thể hiện tình cảm yêu thương với cha mẹ bằng sự quan tâm, chân thành với một chút tâm lý và “công phu” dành cho người lớn tuổi. Yêu thương không thể chờ đợi, nói như cô giáo Nguyễn Thu Thủy, cha mẹ không sống trọn đời cùng chúng ta, không sống đủ dài để chờ chúng ta hối hận.
Mùa Vu Lan đang về, đừng ai chần chừ nắm chặt tay cha mẹ, ôm chặt lấy bố mẹ, cũng đừng ngại ngần nói lời yêu thương với bố mẹ, tiếp thêm sức sống cho họ và thấy mình là người hạnh phúc khi còn bố còn mẹ.