Trưa 18-10, Thành ủy TPHCM tổ chức họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khóa X; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM khóa XI; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Mong muốn báo chí đồng hành với thành phố
Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã thành công rất tốt đẹp. Chương trình đã diễn ra đúng kế hoạch. Đại hội đã thông qua văn kiện, báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2015-2020, nhìn nhận chặng đường 5 năm qua, những bài học kinh nghiệm kể cả những “bài học nhớ đời”. Bên cạnh đó đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu và hệ thống giải pháp phát triển TPHCM trên tinh thần vì cả nước, cùng cả nước. Đại hội cũng đã bầu được Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI với 62 đồng chí.
“Chúng tôi chủ quan nhìn nhận đây là một đội hình rất mạnh, có thể nói mạnh nhất có thể trong thời điểm hiện nay để đảm đương những nhiệm vụ mà đại hội đặt ra”, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Đại hội cũng bầu được đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng với 38 đại biểu được bầu, 5 đại biểu đương nhiên, 4 đại biểu dự khuyết.
Theo đồng chí Trần Lưu Quang, đại hội cũng nhận được sự quan tâm của dư luận, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng chí mong muốn báo chí sẽ tiếp tục đồng hành, chung tay góp sức vì sự phát triển và bình yên của thành phố.
Giao thông trọng điểm kết nối thành phố Thủ Đức với TPHCM và vùng
TPHCM đang đi đầu trong việc đề xuất với Trung ương nhiều mô hình mới để TPHCM phát triển vì cả nước, cùng cả nước. Gần đây nhất là đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Với mục tiêu đề ra, nơi đây sẽ là khu đô thị sáng tạo, công nghệ cao, là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của TPHCM.
Trả lời câu hỏi của Báo SGGP TPHCM về chủ trương đầu tư cụ thể những gì để thành phố Thủ Đức phát triển xứng với kỳ vọng, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin, TPHCM đã chủ động xây dựng các kế hoạch thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM (bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 3 quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức). 3 quận này cũng là 3 quận được tách ra từ huyện Thủ Đức cũ. Tên gọi thành phố Thủ Đức cũng được đại đa số cử tri, người dân của 3 quận đồng tình và được HĐND TPHCM thống nhất về chủ trương tên gọi tại kỳ họp ngày 12-10-2020.
Vừa qua, Hội đồng tuyển chọn cũng đã chọn ra phương án ý tưởng thiết kế tốt nhất của Công ty Sasaki-encity (Mỹ); được UBND TPHCM trao giải nhất cuộc thi Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Theo đó, trọng điểm của khu đô thị này sẽ bao gồm 8 trung tâm quan trọng trên cơ sở lợi thế sẵn có của 3 cực phát triển (Trung tâm tài chính ở quận 2, Khu công nghệ cao ở quận 9 và Khu Đại học Quốc gia TPHCM ở Thủ Đức).
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, với Đề án thành lập thành phố Thủ Đức - đây là mô hình "thành phố trong thành phố" nhằm biến nơi đây thành "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ.
TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu xây dựng Đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM; giao Sở Xây dựng tham mưu, xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại I trình Chính phủ.
Hiện nay, Đề án thành lập thành phố Thủ Đức đã nhận được sự đồng thuận cao, được tích hợp vào Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2019 - 2021.
Để thực sự phát triển thành phố Thủ Đức thành một cực tăng trưởng mới, TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các kế hoạch triển khai ý tưởng thiết kế Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM. Đây là cơ sở để tổ chức các hội nghị, chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch do Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng ban và đã có hành động cụ thể để biến ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời, TPHCM đầu tư các công trình phù hợp với quy hoạch và ý tưởng thiết kế được duyệt từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc này nhằm làm tiền đề, nền tảng về hạ tầng, tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển thành phố Thủ Đức.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong chiến lược 5 năm tới, TPHCM đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn của thành phố Thủ Đức nói riêng, kết nối với TPHCM và các tỉnh, thành.
Tiếp nhận hơn 8.700 ý kiến của người dân và xử lý trên 96% Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp tăng cường sự tham gia của người dân trong xây dựng Đảng, Chính quyền, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc tham gia của người dân được thực hiện qua nhiều phương thức, như thông qua các cơ quan đại diện, hoặc phản ánh trực tiếp qua các cơ quan đảng, chính quyền, báo chí. Vấn đề là làm sao để các ý kiến phản ánh này được tiếp nhận một cách có tổ chức, không bị bỏ sót, được chuyển tải đến cơ quan có trách nhiệm để xử lý. TPHCM đã có Quy định 1374 ngày 1-12-2017 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua 33 tháng thực hiện quy định này, TPHCM đã tiếp nhận hơn 8.700 ý kiến và xử lý trên 96%. Qua đó, cũng rà soát, nhắc nhở và xử lý cán bộ vi phạm. Bình quân mỗi tháng xử lý 10 đảng viên, 11 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật từ các nguồn tin phản ánh theo Quy định 1374. “Sắp tới sẽ phải làm quyết liệt hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. |