Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã xem xét Đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới do Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế chủ trì báo cáo; Đề án về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ chủ trì báo cáo; Đề án về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ban Cán sự Đảng Bộ KH-ĐT chủ trì báo cáo.
Đối với Đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước có trách nhiệm chăm lo sức khỏe nhân dân, đây là quan điểm nhất quán. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển ngành y.
Thủ tướng cho rằng, với nguồn nhân lực hiện nay, đáng ra có thể thu hút khám chữa bệnh quốc tế rất lớn nhưng ngược lại, chúng ta lại tốn tiền rất lớn (cho việc ra nước ngoài khám chữa bệnh). Vì vậy, cần có cơ chế để xây dựng các trung tâm khám chữa bệnh hiện đại, thu hút quốc tế và trong nước.
Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề như chương trình y tế vì người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương; lộ trình giá dịch vụ y tế theo cơ chế thị trường; tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh…
Đối với vấn đề dân số, Thủ tướng cho rằng đề án cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ khắc phục một số điểm bất cập như tuổi thọ tăng nhanh nhưng sức khỏe kém sau khi về hưu, hết tuổi lao động hay tốc độ già hóa dân số nhanh, chất lượng, cơ cấu dân số.
Đối với Đề án về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cơ bản là phải tự chủ tài chính, giảm biên chế, tự trang trải, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho xã hội hóa.
Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần kiên quyết sắp xếp lại gần 60.000 đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng cần tính toán còn lại bao nhiêu là vừa; bao gồm những loại hình nào; bộ máy đơn vị sự nghiệp công như thế nào, có phải chủ chốt là biên chế, còn lại là hợp đồng hay không, Nhà nước sẽ đặt hàng cái gì, sản phẩm nào cần thiết.
Đối với Đề án về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng quán triệt tinh thần là bám sát các nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết 05-NQ/TW về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn và chức năng quản lý nhà nước. Ban Soạn thảo khẩn trương hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để trình Trung ương xem xét.