Ô nhiễm vẫn đáng lo
Kênh Ba Bò là tuyến kênh thoát nước mưa và nước thải lưu vực phường Bình Chiểu, phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) và khu phố Đồng An, Tân Long, Tân Đông Hiệp và một phần phường Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương, tổng lưu vực thoát nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò khoảng 1.000ha với lưu lượng nước thải 18.900 - 20.100m³ nước thải/ngày. Trong đó, nguồn thải chủ yếu là từ 2 khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1 và 2 với 15.000 - 16.000m³ nước thải/ngày.
Ngoài ra, còn có 4.000m³ nước thải/ngày thuộc các khu dân cư tỉnh Bình Dương và 500m³ nước thải/ngày từ các doanh nghiệp (DN) của Quân đoàn 4 nằm điểm giáp ranh TPHCM và Bình Dương.
Để giảm ô nhiễm nguồn thải kênh Ba Bò, tỉnh Bình Dương đã triển khai một số giải pháp như nạo vét lòng kênh, xây dựng bờ kè kết hợp làm đường hai bên kênh; vận động người dân không xả rác thải vào kênh. Bình Dương cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải thị xã Thuận An với công suất 17.000m³ nước thải/ngày và đang tổ chức thu gom, đấu nối nước thải của các hộ dân về nhà máy để xử lý.
Đồng thời, đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Dĩ An. Riêng với 2 KCN Sóng Thần 1 và 2, tỉnh Bình Dương phối hợp Ban quản lý KCN, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ TNHH MTV và Công ty cổ phần Đại Nam tiến hành kiểm tra, xử lý các DN trong khu chưa đấu nối triệt để nước thải hoặc chưa tách hoàn toàn hệ thống thoát nước mưa ra khỏi hệ thống thu gom nước thải.
Tỉnh Bình Dương cũng đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung để giám sát 24/24 giờ…
Tuy nhiên, tình trạng nguồn thải ô nhiễm thải ra kênh Ba Bò vẫn còn. Hệ thống xử lý nước thải của 2 KCN bị quá tải. Tình trạng DN trong và ngoài KCN xả lén nước thải chưa qua xử lý vào ban đêm, trời mưa vẫn còn. Số lượng khu dân cư, thương mại, dịch vụ tăng nhanh nhưng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt dù đã xây dựng nhưng việc đấu nối chưa hoàn thiện. Điều này khiến cho lượng lớn nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Bắt tay xử lý triệt để ô nhiễm
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết thêm, kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước kênh Ba Bò trong thời gian qua cho thấy, nồng độ các chất BOD, hữu cơ… vượt tiêu chuẩn cho phép. Trước thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, hiện ngân sách điều tiết để lại cho thành phố mỗi năm chỉ khoảng 60.000 tỷ đồng; việc cân đối nguồn ngân sách để đầu tư cho hạ tầng, trong đó có vấn đề môi trường của TPHCM rất khó khăn.
Tuy nhiên, cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân, nhất là tại khu vực kênh Ba Bò là hết sức cấp thiết. Do vậy, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Bình Dương và TPHCM cùng nhiều DN đã dành ra khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư cải thiện môi trường kênh Ba Bò. Thế nhưng, nếu chỉ đầu tư mà thiếu sự đồng bộ trách nhiệm giữa người dân, doanh nghiệp thì không thể đạt được mục tiêu như mong muốn.
UBND TPHCM đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tăng cường giám sát hơn nữa việc xả thải tại kênh Ba Bò. Thời gian giám sát cần thiết phải thực hiện vào những thời điểm ban đêm - cao điểm xả thải của DN để có ghi nhận khách quan và đầy đủ tình trạng ô nhiễm của kênh. Từ đó, có chỉ đạo xử lý chặt chẽ và mạnh tay hơn để bảo vệ dòng kênh và môi trường sống cho người dân.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phải thắt chặt hoạt động kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng vi phạm môi trường của những DN trong và ngoài KCN. Công ty Cấp thoát nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống thu gom đấu nối nước thải của các hộ dân nằm trên lưu vực kênh Ba Bò về nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải đô thị xã Dĩ An. Với Quân đoàn 4, rà soát kiểm tra và yêu cầu các cơ sở thuê mặt bằng phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Cần thiết không cho thuê những đơn vị không chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường... Đại diện Công ty cổ phần Đại Nam cho biết, cuối năm 2017 sẽ hoàn thành nâng công suất xử lý nước thải từ 9.600m³ nước thải/ngày lên 12.000m³ nước thải/ngày đêm để giải quyết tình trạng quá tải xử lý nước thải hiện tại, tránh xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn vào kênh Ba Bò.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã ký kết liên tịch tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò giai đoạn 2017 - 2018.
Theo đó, giao cho Sở TN-MT tỉnh Bình Dương và TPHCM chủ trì triển khai hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động dọc tuyến kênh để tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước kênh, chia sẻ dữ liệu quan trắc với nhau; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn thải DN trong và ngoài KCN; hoàn thiện hạng mục công trình bờ kè kênh, nhà máy xử lý nước thải đô thị (tỉnh Bình Dương) và hồ điều tiết sinh học (TPHCM); đốc thúc chủ đầu tư hạ tầng KCN Sóng Thần 1 và 2 hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.