Tại cuộc tọa đàm với chủ đề: “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” do Tạp chí Công thương (Bộ Công thương) tổ chức ngày 1-12, các chuyên gia kinh tế đánh giá: Sau hơn 3 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng các ưu đãi xuất xứ khi thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm, ngành hàng trọng điểm.
Tình trạng này khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế trong thời kỳ “một mình một chợ” khi triển khai CPTPP.
Theo các chuyên gia, CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực để mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới mẻ và tiềm năng. Ưu đãi mà các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng là mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, nhất là các mặt hàng có thế mạnh.
Nhưng ưu đãi thuế quan cũng đi kèm với điều kiện về xuất xứ (C/O), yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm nghiêm ngặt hơn, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại.
Bàn về tận dụng những ưu đãi này, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong 10 nước đối tác của Việt Nam trong CPTPP thì cơ hội lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam chính là 3 nước: Canada, Mexico và Peru.
Trước thời điểm tháng 8-2021, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP có thể chỉ là 6,7% nhưng bây giờ chỉ tính riêng thị trường Canada và Mexico thì tỷ lệ sử dụng ưu đãi này đã tăng lên xấp xỉ 24% và con số này còn đang cao hơn tỷ lệ sử dụng ưu đãi trong hiệp định với EU (EVFTA) và Vương quốc Anh (UKVFTA).
Theo bà Hương, xét chung trong 11 nước thành viên CPTTP, hiện nay những mặt hàng mà chúng ta đạt tỷ lệ tận dụng tốt là giày dép đạt khoảng 43%, xơ sợi cũng khoảng 33%, sắt thép và các sản phẩm sắt, thép 76%, điện thoại và linh kiện điện thoại là 13% và thủy sản là 6%.
“Trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này thì dệt may hiện nay có tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP thấp và cũng gần như không tăng trong ba năm qua”, bà Hương cho biết.
Đề cập sâu hơn khó khăn của lĩnh vực dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) thừa nhận, trong 3 năm thực thi CPTPP, tỷ lệ xin xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan là rất thấp.
“Bởi vì trong các nước là thành viên CPTPP, 7 nước chúng ta hầu như đã có hiệp định song phương hoặc đa phương rồi, ví dụ như Nhật Bản, New Zealand và đã tận dụng ưu đãi từ trước. Còn như Mexico lại là một trong cường quốc dệt may. Họ sản xuất hàng dệt may tương đối tốt, xuất khẩu vào Mỹ tương đối nhiều, kể cả Bắc Mỹ”, ông Dương nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, cái khó nhất để không mặn mà tận dụng hết các ưu đãi khi xuất khẩu dệt may vào các thị trường này là vì “hầu hết chúng ta đều lấy nguyên vật liệu (tới 43 - 45%) từ Trung Quốc”.
Để tận dụng được các ưu đãi thuế quan bằng việc sử dụng nguyên liệu của các nước là thành viên CPTPP, giảm phụ thuộc các nước khác, ông Dương đưa ra giải pháp, trong 5-10 năm tới phải thu hút được các doanh nghiệp FDI vào sản xuất tại Việt Nam.
“Phải xác định bỏ vốn ra để kéo năng lực làm vải của nước ngoài vào kết hợp với chúng ta, để chúng ta có thể tự chủ được ít nhất là 70 - 80% nguyên phụ liệu thì lúc đó chúng ta mới có thể nói đến vấn đề chiếm được, giữ được và tận dụng được ưu đãi thuế quan mà các hiệp định thương mại đem lại”, ông Dương nói.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng thống nhất với đề xuất tăng cường kết nối nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất trong nước và trong khu vực hiệp định để tăng cường tỷ lệ sử dụng ưu đãi về thuế quan.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các chính sách xuất nhập khẩu, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, với những thị trường mà chúng ta đã có FTA cũ rồi thì doanh nghiệp cũng chưa nhất thiết phải sử dụng mẫu C/O CPTPP.
“Nhưng với các thị trường FTA mới như Canada, Mexico, Peru mà hiện nay, tỷ lệ tận dụng mới chỉ tầm 22-24% thì chúng ta chưa thể hài lòng”, ông Khanh nói.
Theo ông, cần phải nâng lên khoảng 30-40% bằng nhiều giải pháp, trong đó có tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng xuất khẩu những mặt hàng có tỷ lệ tận dụng tốt; đồng thời tìm thêm các mặt hàng mà chúng ta có thể tận dụng trong chuỗi giá trị để tăng tỷ lệ tận dụng.
“Chẳng hạn như với thị trường Canada có mặt hàng mà chúng ta dường như chưa chú ý là các mặt hàng chế biến từ gạo, như bún, phở, các sản phẩm bột. Hiện nay, chúng ta hầu như chưa xuất khẩu sang Canada các mặt hàng này, Mexico cũng vậy”, ông Khanh dẫn chứng.
Liên quan tới sản xuất và xuất xứ hàng dệt may, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, rõ ràng là chúng ta có sản xuất vải - tất nhiên không phải toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam mà còn có các doanh nghiệp FDI, nhưng nếu chúng ta kết nối được doanh nghiệp FDI để họ cung cấp vải cho chúng ta thì cũng là một cách để chúng ta tăng tỷ lệ tận dụng.
“Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ kết nối với nhau và với doanh nghiệp FDI mà phải kết nối nhiều chủ thể liên quan nữa thì chúng ta mới tăng được tỷ lệ tận dụng ưu đãi và mới tối ưu hóa được các lợi ích từ CPTPP”, ông Khanh đề xuất.