Để tìm giải pháp thúc đẩy ngành điều phát triển, tập trung đầu tư xuất khẩu vươn tới mốc kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD, ngày 30-9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chủ trì hội nghị mang chủ đề: “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu”.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sau hơn 30 năm phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu điều nhân đứng số một thế giới; đứng thứ hai thế giới về chế biến; đứng thứ ba về năng suất, sản lượng.
Trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều cho thế giới. Mặc dù hiện là quốc gia đang dẫn đầu về chế biến và xuất khẩu nhưng ngành điều Việt Nam vẫn bộc lộ những bất cập như sản lượng có xu hướng giảm, thu nhập của người trồng điều không cao, giá trị gia tăng thấp, diện tích điều bị thoái hóa gia tăng…
Kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đứng số một thế giới. Ảnh: KIM NGÂN
Số liệu từ Bộ NN-PTNT cho biết, hiện sản lượng điều sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu chế biến của hơn 300 doanh nghiệp nên Việt Nam phải tăng dần lượng nhập khẩu điều từ Campuchia, Ấn Độ, Tây Phi, Bờ Biển Ngà… với khối lượng nhập khẩu năm 2016 là 1,1 triệu tấn điều thô.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành điều Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, khi nhu cầu tiêu thụ điều của thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hội thảo này được tổ chức để bàn giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phấn đấu giữ vững vị trí số 1 của ngành điều Việt Nam và đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020.
Để đạt được điều này, cần tập trung đầu tư cho chế biến sâu, phát triển thị trường và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đưa giống điều mới vào sản xuất, tái canh để tăng năng suất, sản lượng. Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ bất cập chính sách để ngành điều phát triển.