Sáng 26-12, Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học đô thị hướng đến TPHCM có chất lượng sống tốt.
Theo thống kê, tình trạng phạm pháp hình sự ở TPHCM có xu hướng giảm so với trước. Dù vậy, tội phạm phạm pháp hình sự có số vụ cao nhất nước với mức bình quân khoảng 6.000 vụ/năm, chiếm khoảng 8% so với toàn quốc.
Thượng tá Lâm dẫn chứng trong giai đoạn trước năm 2.000, mỗi năm ở TPHCM có hơn 10.000 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, năm 1995 là cao nhất với gần 15.000 vụ. Trong khi đó, những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 6.000 vụ.
“Số vụ phạm pháp hình sự trong năm 2017 ở TPHCM giảm còn dưới 5.000 vụ, chiếm chưa đến 8% tổng số vụ phạm pháp hình sự so với cả nước”, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm chia sẽ, song cũng bày tỏ con số này là bất thường.
Vì vậy, ông lưu ý không nên quá lạc quan với số liệu trên vì tình hình tội phạm hiện nay có độ phức tạp cao, mang tính chất phi truyền thống và gia tăng xu hướng bạo lực rõ rệt.
Ngoài ra, điểm nổi bật về vi phạm pháp luật hình sự ở TPHCM là tội phạm cướp giật tài sản. Loại tội phạm này nhiều nơi khác cũng có nhưng TPHCM chiếm tỷ lệ cao nhất.
Lâu nay, chính quyền TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm song loại tội phạm này vẫn còn gây bức xúc cho người dân. Tội phạm này không những xâm phạm quyền tài sản của người dân mà còn gây nguy hiểm cho nạn nhân, đặc biệt đối với những nạn nhân đi xe máy khi bị cướp giật có thể bị té ngã, gây tổn hại sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, trong quá trình tẩu thoát, tội phạm này cũng có thể gây ra nhiều hệ quả xấu cho người đi đường.
Bên cạnh đó, nhóm tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp khi TPHCM trở thành địa bàn trung chuyển từ các nước, các tỉnh thành khác. Đồng thời TPHCM còn là địa bàn tiêu thụ ma túy lớn, do có số người nghiện ma túy vẫn còn nhiều.
“Chỉ dựa vào con số hơn 21.110 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý cho thấy nhu cầu tiêu thụ một lượng ma túy lớn”, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm phân tích.
Bên cạnh đó, Thượng tá Lâm cũng đề cập đến một số loại hình tội phạm khác như tội phạm kinh tế, đặc biệt gần đây xuất hiện hình thức huy động đầu tư tài chính bằng đồng tiền Bitcoin và các loại tiền ảo khác. Các hoạt động này là trái phép song rất nhiều người đổ tiền vào, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh tài chính, tiền tệ và phát sinh những tội phạm liên quan.
Thượng tá Lâm cũng nhận định trong thời gian tới tình hình tội phạm có thể gia tăng do bị tác động bởi một số yếu tố.
Trong đó, năm 2018 khi triển khai các văn bản pháp luật mới có nhiều chế định hạn chế thẩm quyền của cơ quan thực thi pháp luật trong hoạt động tố tụng (tạm giữ, tạm giam) và đặt yêu cầu về trách nhiệm bồi thường… Chính sự hạn chế quyền lực cơ quan công quyền trong khi mở rộng quyền hạn người dân nói chung và tội phạm nói riêng như trên khiến người thực thi công vụ có tâm lý e ngại, chùn bước và thực hiện nhiệm vụ theo tư tưởng an toàn nên có khả năng bỏ lọt tội phạm.
Theo dự báo TPHCM vẫn tiếp tục là địa bàn hoạt động trọng điểm của di dân tự phát và các loại tội phạm. Từ đó Thượng tá Lâm đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt thực hiện những biện pháp nghiệp vụ như công tác quản lý, nắm chắc địa bàn.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, TPHCM như cái rốn của tội phạm về đây hoạt động. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nâng cao ý thức của người dân trong việc phối kết hợp cũng như tự chủ trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho bản thân và gia đình.