Ngày 17-11, hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức tại hội trường Diên Hồng.
Không đợi xong việc mới giám sát
Trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023 đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch.
Quang cảnh hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Bước sang năm 2024, để triển khai có hiệu quả giám sát các chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các đoàn giám sát cần tận dụng tối đa các tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát, nhất là những nội dung mới được sửa đổi trong các luật vừa được Quốc hội thông qua để tổ chức triển khai có hiệu quả; phát huy kinh nghiệm đổi mới tổ chức các đoàn giám sát đã thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua để tổ chức hoạt động giám sát phù hợp, khoa học.
Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và HĐND
Tại hội nghị Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp để dễ dàng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Về kế hoạch giám sát năm 2024, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh, 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và UBTVQH đều là các nội dung quan trọng, thiết thực, hướng tới việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Để thực hiện tốt các chuyên đề giám sát này, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM kiến nghị UBTVQH chỉ đạo tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các đoàn giám sát, tránh trường hợp các đoàn về làm việc với cùng một địa phương trong thời gian quá cận kề nhau, để đoàn đại biểu Quốc hội địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào hoạt động giám sát chung.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: “Hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH đã giúp phát hiện chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước”. Thừa nhận trong một số trường hợp, tiến độ báo cáo của bộ, ngành, địa phương không đáp ứng được yêu cầu của đoàn giám sát, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh lý do chủ quan, cũng có một số nội dung yêu cầu chưa cụ thể về phạm vi, không gian, thời gian, địa điểm; khó xác định rõ người, rõ việc. Phó Thủ tướng đề nghị các ủy ban của Quốc hội tăng cường phối hợp hơn nữa với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng kế hoạch đề cương báo cáo giám sát, cũng như quá trình thực hiện giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023, theo đó nhiều báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội mang tính xây dựng, tính phản biện rất cao và tính Đảng cũng rất cao; đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng dành nhiều thời gian phân tích những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội thời gian qua. Về giám sát chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc giải quyết mối quan hệ giữa “diện” và “điểm”. Mỗi đoàn giám sát có một mục tiêu cụ thể, phải bám sát mục tiêu này để không sa đà vào vụ việc. “Số liệu thì rất nhiều nhưng muốn có số liệu biết nói thì phải chắt lọc, phải có phương pháp ngay từ quá trình tiến hành giám sát”, đồng chí Vương Đình Huệ nói. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một nghịch lý là “giám sát nhưng mục tiêu kiến tạo phát triển lại rất nổi bật; còn xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân thì lại còn mờ nhạt, có báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chỉ nêu vài ba dòng”. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, của cơ quan có liên quan thì sau giám sát tình hình… vẫn thế.