Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Y tế, có văn bản gửi UBND cấp tỉnh về việc tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi. “Thời gian đến kỳ thi còn 1 tuần nữa, công tác chuẩn bị phải cẩn trọng, an toàn. Tùy theo diễn biến, Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia sẽ có quyết định, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, để cùng tổ chức tốt nhất kỳ thi này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo rà soát, phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác. Dù Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn như vậy, nhưng tại hội nghị, các địa phương đều thể hiện sự lo lắng. Đặc biệt, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo thi của TP Đà Nẵng kiến nghị, Bộ GD-ĐT xem xét báo cáo Chính phủ cho dừng tổ chức thi tại Đà Nẵng, xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả các học sinh trên địa bàn Đà Nẵng. Đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường đại học xét tuyển các thí sinh Đà Nẵng, bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt giả thiết: nếu dịch bùng phát, học sinh không dự thi được thì đặc cách xét tốt nghiệp ra sao, bộ cần hướng dẫn cụ thể.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tại các điểm thi đều có phòng thi dự phòng để cách ly thí sinh. Nếu thí sinh diện F1 quá lớn, TP tổ chức điểm thi riêng cho các em. Tất cả các thành viên tham gia vào hệ thống sao in đề thi đều đã được lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo không mang mầm bệnh. “Nhưng TP băn khoăn về công tác chấm thi. Do số lượng thí sinh của TPHCM quá lớn, nếu toàn bộ giáo viên chấm tập trung phải trên 600 người, như vậy là không đúng quy định về việc tránh tụ tập đám đông trong mùa dịch. Do đó, kiến nghị không tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi chung 10 bài thi, mà nên chia nhỏ theo đơn vị tổ để thực hiện việc chấm chung”, ông Dương Anh Đức đề xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch đang rất phức tạp. Bắt đầu từ khi có ca đầu tiên ở Đà Nẵng, đến nay đã có hàng trăm ca mắc ở 6 tỉnh thành. Tình hình này đặt ra vấn đề: thi thế nào cho an toàn? Bộ GD-ĐT phải kiểm tra kỹ điều kiện y tế phòng dịch, bảo đảm có khẩu trang, nước sát khuẩn ở điểm thi; tất cả các phòng thi không được bật điều hòa, chỉ bật quạt, thông gió. "Trong tình hình dịch hiện nay, điều kiện bảo đảm phòng chống dịch là rất quan trọng mà ngành giáo dục phải chú ý", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Theo ông, cần yêu cầu học sinh là bệnh nhân thì không được thi. Thí sinh là F1 phải có điểm thi riêng, thí sinh đi thi phải đeo khẩu trang, giảm số thí sinh trong phòng thi; F2 cũng có thể thi phòng riêng nhưng ở cấp độ thấp hơn; các điểm thi đó phải có lực lượng y tế tham gia để bảo đảm không lây lan ra cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, dịch bùng phát, nhiều việc phát sinh, phải tổ chức kỳ thi không chỉ an toàn về an ninh mà cả sức khỏe. Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… tham gia trong kỳ thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, không vì không đủ thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ. Do vậy tại thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi và kế hoạch tổ chức thi vẫn phải chuẩn bị chu đáo.
Còn gần 10 ngày nữa diễn ra kỳ thi, bộ và các địa phương phải bám sát từng giờ diễn biến của dịch bệnh. Các địa phương tiếp tục rà soát để thực hiện tốt các công việc còn lại của kỳ thi, tiếp tục bám sát tình hình, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh và điều kiện tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch. Với một số địa phương có nguy cơ cao như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ trưởng cho biết bộ vẫn đang rất sát sao và hàng ngày hàng giờ nắm tình hình.
Bộ GD-ĐT ghi nhận ý kiến của Đà Nẵng, Quảng Nam, sẽ trao đổi với các bộ ngành liên quan, nhất là chuyên môn của ngành y tế và báo cáo Chính phủ để có quyết định phù hợp nhất. Nhưng trong lúc chờ đợi, Bộ GD-ĐT đề nghị Đà Nẵng, Quảng Nam bình tĩnh, bám sát diễn biến dịch, tiếp tục công tác chuẩn bị cho kỳ thi trên địa bàn. “Các địa phương khác cũng vậy, bám sát tình hình để chuẩn bị kỳ thi theo lịch trình đã đề ra. Tôi tin rằng với quyết tâm cao của lãnh đạo các địa phương, Ban Chỉ đạo thi các địa phương, với sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và toàn thể nhân dân, chúng ta cố gắng sao để kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối cả về an ninh, công bằng và an toàn sức khỏe”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.