- Phóng viên: Cơ duyên nào đã khiến chị bắt tay vào đưa nàng Kiều lên sân khấu ballet?
- Biên đạo múa TUYẾT MINH: Ballet Kiều là một kỳ vọng mà cả Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đều mong muốn sẽ được dàn dựng và công diễn. Hơn 10 năm trước, từng có dự án ballet Kiều được ấp ủ thực hiện nhưng khi ra mắt, vì nhiều lý do nên tác phẩm được dựng ở hình thức thanh xướng kịch.
Năm 2014, sau khi dựng vở múa đương đại “Con tạo xoay”, tôi đã tiếp cận được với tư tưởng của Phật giáo, nó đã thay đổi nhân sinh quan tôi trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi quyết tâm lý giải Truyện Kiều bằng ngôn ngữ ballet. Kịch bản hoàn thành năm 2017, năm 2018 nhận được đặt hàng sáng tác của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Trong năm 2019, chúng tôi đã âm thầm tập hợp ê kíp và tiến hành chu đáo mọi công tác tổ chức thực hiện, chuẩn bị cho sự ra đời của ballet Kiều trên sân khấu.
Nhiều chuyên gia e dè với “Kiều”, nhất là khi kiệt tác này đã quá đồ sộ về thi ca, ngôn từ, khác với kịch nói, múa rối và các vở diễn sân khấu đã từng đưa Kiều lên sân khấu. Các bộ môn nghệ thuật ấy dùng hành động sân khấu và do đặc thù của từng bộ môn nghệ thuật mà không thể xa rời lời thoại, hoặc diễn xướng, ca, nói lối sử dụng các câu thơ theo nguyên tác. Tôi tin là múa sẽ không làm khán giả thất vọng khi vẽ lên không gian đượm chất thơ, trữ tình; vẽ lên hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên thật điển hình, mà lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du trong những mối quan hệ ấy, với tất cả hỷ, nộ, lạc, ái…
- Là một tác phẩm lớn, quen thuộc với khán giả Việt Nam, vì thế, kể lại truyện Kiều bằng một loại hình ngôn ngữ nghệ thuật khác hẳn không phải đơn giản, đặc biệt đó lại là ballet - một môn nghệ thuật có nguồn gốc từ phương Tây?
- Ballet Kiều sẽ là thách thức lớn nếu không quy tụ được nhiều diễn viên solist đảm nhận những vai diễn chính diện và phản diện, nên đòi hỏi các nghệ sĩ vừa có chuyên môn cao vừa có phong độ biểu diễn tốt. Nếu như các vở ballet kinh điển của nước ngoài có từ 4 đến 5 nhân vật chính, thì với Truyện Kiều hệ thống nhân vật rất nhiều. Nghệ sĩ múa ballet rất khắt khe và cần, rất cần thanh sắc, phải là lứa diễn viên trẻ, sung sức, đảm nhận được kỹ thuật khó. Nếu như múa đương đại mà thực hiện kỹ thuật lỗi trên sân khấu thì có thể “lấp liếm” bằng những chuyển động khéo léo, người xem khó có thể nhận ra, nhưng với ballet chỉ cần thực hiện các kỹ thuật quay trên không mà khi tiếp đất nghiêng ngả là khán giả xem sẽ khó chịu ngay. May cho tôi thời điểm này, đoàn múa của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc Vũ Kịch TPHCM đang hội tụ được một dàn diễn viên trẻ hùng hậu cả về số lượng và chất lượng kỹ thuật, kỹ xảo.
Thử thách nữa của tôi chính là kinh phí. Nếu làm ballet cổ điển phải được hòa tấu trên những dàn nhạc lớn. Nhưng với vở này, kinh phí thực sự không cho phép nên chúng tôi phải sáng tạo. Chúng tôi ứng dụng cả ca trù, hát xẩm, lẩy Kiều… nên quyết định hòa âm phối khí, thu âm thành một nền backgroup, sau đó nghệ sĩ trình diễn trực tiếp trên sân khấu. Nhạc sĩ không ngồi trên hố nhạc mà lúc đó nhạc sĩ và ca sĩ cùng diễn viên sẽ hòa vào nhau.
- Khán giả thường quan niệm ballet là rất tây, là hoành tráng, xa hoa… và ballet Kiều có được xây dựng trên những khuôn mẫu đó?
- Tôi muốn ballet mang bản sắc Việt, là sáng tạo của người Việt dựa trên những quy chuẩn của loại hình nghệ thuật này. Trong sáng tác và làm việc, tôi luôn hướng tới sự giản dị, vì tôi yêu tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam; tôi yêu cách nghĩ, cách cảm mộc mạc của người Việt, thể hiện những thứ phức tạp nhất, quy chuẩn nhất theo cách diễn đạt giản dị, dễ cảm nhất.
Tôi và biên đạo múa Phúc Hùng, khi tìm ra phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo và vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở Kiều. Âm nhạc trong vở diễn được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống… Sự tương phản trong âm nhạc giúp cho chúng tôi có rất nhiều cảm xúc khi biên đạo và diễn viên có đất để thể hiện nghệ thuật biểu diễn, tạo phong cách, cá tính riêng cho mỗi vai diễn.
Vở diễn sẽ có nhiều thứ để thưởng thức từ những đường nét cơ thể, phong cách múa, trang phục mang đậm văn hóa Kinh Bắc, thanh âm của lẩy Kiều, ca trù, hát xẩm được phối khí với dàn nhạc giao hưởng, song tấu giữa Cello và đàn nhị… đến cách tư duy và chiều sâu tâm hồn văn hóa Á Đông.