Với chiêu thức tuyển lao động trẻ đi trồng rừng và chế biến gỗ, một người với giấy giới thiệu và hợp đồng lao động của Công ty TNHH Phước Minh đã tuyển 33 thanh niên ở hai xã A Ngo và Hồng Trung, huyện A Lưới nhưng sau đó lại đẩy họ vào bãi vàng ở Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để bóc lột sức lao động. Sau hơn 1 tháng bị hành hạ, đánh đập đã có 15 thanh niên trốn thoát trở về nhà, 18 người còn lại vẫn bặt vô âm tín.
- Cuộc chạy trốn khỏi bãi vàng
Hồ Văn Điệp (1987) thôn Lê Triên, xã Hồng Trung, vừa may mắn trốn thoát trở về cho hay: Thấy công việc phù hợp mà thu nhập cũng được nên ngày 29-2, Điệp cùng với 14 thanh niên trong thôn lên trụ sở UBND xã Hồng Trung đăng ký xin đi làm việc. Tại đây, ông Nguyễn Chính Đông thay mặt Công ty TNHH Phước Minh trực tiếp làm hợp đồng. Rạng sáng ngày 1-3, ông Đông dùng ô tô đón 15 thanh niên của xã Hồng Trung đưa về A Ngo rồi đón thêm 18 thanh niên khác đưa vào Quảng Nam. Sau hành trình hơn 10 giờ đồng hồ thì đến thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi cơm nước xong, cả 33 người được đưa vào nghỉ ngơi tại nhà của một người đàn ông tên Dũng. Vào một quán nước, qua trò chuyện, Điệp được một phụ nữ cho hay là mọi người đã bị lừa bán cho một bãi vàng ở Phước Sơn. Quá sợ hãi, Điệp vội vã quay trở về thông báo cho mọi người. Mọi người không tin, chỉ có 5 thanh niên cùng xã Hồng Trung vội vàng bỏ trốn còn Điệp phải ở lại để bảo vệ anh em, bạn bè. Kiểm tra thấy thiếu người, ông Dũng lập tức cho người dùng xe đuổi theo truy bắt.
Lợi dụng đêm tối, cả 5 người chạy vào rừng và trốn thoát. Tối đó ông Dũng cho người khóa trái cửa bên ngoài và canh giữ cẩn thận. Sáng hôm sau, 28 người còn lại được người của ông Dũng đưa vào rừng đi làm. Sau hơn 8 tiếng đồng hồ vượt hàng chục cây số đường rừng cách trở, họ được dừng lại ăn cơm trưa tại một lán trại ở góc rừng. Biết mình đã bị lừa, mọi người bàn nhau bỏ trốn. Điệp và 6 người khác lấy cớ đi vệ sinh rồi bỏ trốn nhưng chỉ mình Điệp trốn thoát, sau 3 ngày băng rừng mới về đến nhà.
Còn Hồ Văn Hêr (SN 1986) trú tại thôn A Diên, xã A Ngo, sau khi bỏ trốn cùng Điệp đã bị bắt trở lại, Hêr bị những trận đòn nhừ tử của ông Dũng và đám tay chân rồi bị bắt làm những công việc nặng nhọc. Công việc của Hêr cùng đoàn người là chui vào những đường hầm ngoằn ngoèo dài hàng trăm mét, dùng xe đẩy đá ra ngoài hoặc xuống các giếng sâu hơn 30m đào, đưa đất lên. Một ngày bắt đầu làm việc từ tờ mờ sáng đến 12g trưa, nghỉ ăn cơm chừng 15 phút lại tiếp tục làm đến 19g tối, nghỉ 30 phút lại tiếp tục làm đến 12g đêm.
Và tất nhiên các chủ bãi vàng không rời mắt khỏi họ. Không chịu nổi trước cảnh lao động khổ cực và bị đánh đập, đêm 9-3-2008, Hêr rủ thêm 2 người cùng xã A Ngo bỏ trốn nhưng lại bị ông Dũng cùng các đệ tử bắt lại. Một trận đòn nhừ tử dành cho 3 người cùng với lời hăm dọa “nếu chạy nữa thì tao sẽ giết”, từ đó cả 3 bị giám sát chặt hơn và bị buộc phải làm việc nặng nhọc hơn. Lần thứ hai, nhân lúc trời trưa nóng bức, Hêr cùng AC Văn Bông (SN 1992), Kê Văn Hái (SN 1988) và Ploong Tôm (SN 1990) xin ra suối tắm và bỏ trốn.
Đến chập tối thì về đến xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Nghĩ rằng đã thoát nên 4 người men ra đường mòn tìm về xuôi thì bị ông Dũng cùng 7 đệ tử từ hai bên vệ đường cầm gậy lao vào đánh tới tấp. Ba người (Hái, Tôm, Bông) gục tại chỗ và bị bắt trở lại. Hêr liều mạng ôm đầu lao xuống khe bỏ chạy. Sau 2 ngày, 2 đêm chạy trốn trong rừng, đến chiều ngày 26-3 Hêr mới tìm ra đến thị trấn Khâm Đức, bắt xe đò về Huế.
- 18 người còn lại vẫn “bặt vô âm tín”
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nghiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Trung, cho hay, không những người dân mà cả chính quyền xã cũng bị lừa. Theo ông Nghiếu, do muốn giải quyết công ăn việc làm cho bà con nên khi nghe ông Nguyễn Chí Đông đến xuất trình giấy tờ và đặt vấn đề, xã đã ủng hộ đồng thời dùng loa thông báo rộng rãi đến nhân dân.
Ngày 29-2, khi 15 thanh niên đến UBND xã đăng ký với ông Đông thì phía chính quyền không có ai giám sát, hướng dẫn thủ tục cả. Trước đó, vào ngày 27-2, ông Đông bảo rằng sẽ làm việc với xã nên lãnh đạo xã mặc cho ông Đông mượn phòng làm các thủ tục với 15 thanh niên đến đăng ký. Hơn nữa ông Đông có giấy giới thiệu của Phòng Nội vụ huyện A Lưới về việc tuyển dụng lao động trên địa bàn xã. Sau này sự việc vỡ lở mới biết đó là giấy giới thiệu giả.
Từ đó đến nay ông Đông cũng biệt tăm. Thậm chí tại xã A Ngo, ông Đông chỉ làm việc với các trưởng thôn, không thông qua xã và chính em vợ Chủ tịch xã Đoàn Minh Liệt và hai người em ruột của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện A Lưới cũng bị lừa!
Tính đến ngày 12-4-2008 đã có 15 nạn nhân trốn thoát trở về, còn lại 18 người không rõ tin tức. Gia đình bà Kăn Lan 56 tuổi, thôn Tà Ròi, xã A Ngo có 4 người, gồm:con trai là AC Văn Bông chỉ mới 16 tuổi, rồi còn con rể Ploong Hiền, cháu ruột AC Văn Choan, em chồng AC Văn Thay. Tương tự, chị Phạm Thị Châu (SN 1981) ở thôn Hợp Thành có chồng và em trai đều đang ở bãi vàng. Từ khi biết được chồng những người khác bị lừa đẩy vào bãi vàng, chị Châu như người mất hồn, ngày ngày cùng hai con nhỏ ngồi tựa cửa đợi chồng...
Thượng tá Hoàng Văn Cường, Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết, những bản hợp đồng của Công ty TNHH Phước Minh đều được ký khống. Công an huyện chỉ mới xác minh được ông Nguyễn Chính Đông (SN 1978), có địa chỉ thường trú tại xã Thủy Lương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Hiện công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với Công an Quảng Nam xác minh làm rõ vụ việc và tìm kiếm đưa những nạn nhân trở về.
Phan Lê