Ngay những ngày đầu năm mới 2008, tỷ giá VND/USD rớt xuống mức 16.000 đồng/USD, trong khi lãi suất trên thị trường liên NH và lãi suất huy động tiền đồng tăng khá nhanh. Diễn biến trái chiều này có phải là điều bất thường?
Cung ngoại tệ tăng mạnh
Lần đầu tiên sau hơn một năm, tỷ giá VND/USD xuống dưới mức 16.000 VND/USD, tỷ giá mua vào của các NHTM chỉ còn 15.985-15.987 VND/USD, bán ra 15.992-15.995 VND/USD. So với cùng thời điểm này năm ngoái, tỷ giá mua bán USD của các NHTM giảm 65-70 VND/USD, tương ứng với mức giảm 0,5%.
Có thể thấy tình hình này xuất phát từ các nguyên nhân: Thứ nhất, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cắt giảm lãi suất lần 3 xuống chỉ còn 4,25%/năm, làm USD mất giá mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND.
Thứ hai, gần Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về nước tăng mạnh, nhất là kiều bào có nhu cầu bán ngoại tệ lấy tiền đồng chi tiêu trong dịp tết.
Thứ ba, đang là thời điểm các DN xuất khẩu có nhu cầu bán ngoại tệ có được từ xuất khẩu để trả lương thưởng cũng như cân đối tài chính cuối năm. Do vậy, dù cung ngoại tệ tăng mạnh nhưng NHNN vẫn phải hạn chế tung tiền đồng ra mua ngoại tệ vào, vì dễ gây áp lực lạm phát.
Bên cạnh những nguyên nhân này, năm nay các quỹ đầu tư nước ngoài đổ một lượng vốn đầu tư gián tiếp khá lớn vào nhiều lĩnh vực khác nhau ở nước ta. Đòi hỏi thị trường phải có một lượng cung tiền đồng rất lớn để có thể đổi lượng ngoại tệ mà các quỹ đầu tư giải ngân.
Thực tế hiện nay có nhiều quỹ đầu tư rất khó mua được VND để thực hiện kế hoạch đầu tư tại các DN cổ phần trong nước. Chưa kể, một số tập đoàn NH lớn trên thế giới trở thành cổ đông chiến lược và đang rót số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD vào một số NH TMCP nội địa, cũng đang có nhu cầu chuyển đổi USD sang VND. Điều này càng gây áp lực đẩy tiền đồng tăng giá mạnh so với USD.
NH và DN gặp khó
Nhiều NH cho rằng họ đang gặp khó do dư thừa ngoại tệ vì không thể từ chối việc mua ngoại tệ của khách hàng, nhất là khách hàng DN có quan hệ với NH. Còn mua vào, dù bằng giới hạn tối thiểu +-0,75% so với biên độ tỷ giá do NHNN công bố thì nguy cơ lỗ là rất lớn. Khi USD mất giá, nhiều DN xuất khẩu chọn USD làm đồng tiền thanh toán chính cũng đang có nguy cơ lâm vào tình trạng khó khăn.
Thực tế giá USD rớt xuống là xu hướng làm lãi suất tiền đồng tăng lên, dẫn đến cung ứng tiền sẽ phải giảm. Điều này có ý nghĩa hạn chế cung ứng tín dụng đã tăng quá mức trong năm 2007. Hiện nay so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới thì có thể thấy mức biến động tỷ giá hối đoái thường rất lớn, có thể tăng hoặc giảm 10%, đặc biệt đối với đồng tiền có tỷ giá thả nổi. Vì vậy mức độ biến động tỷ giá +-1 đến 2% được nhiều chuyên gia dự báo là ổn định và không có vấn đề gì đáng lo ngại.
NHNN chỉ can thiệp khi thích hợp
Nhiều dự báo cho thấy từ nay đến Tết Nguyên đán tỷ giá VND/USD tiếp tục xu hướng giảm. Trước tình trạng này, NHNN cho biết chỉ can thiệp khi thích hợp, chứ không chủ trương mua vào ngay khi nguồn ngoại tệ dồn dập đổ về chỉ để đảm bảo cân bằng nhất thời trên thị trường.
Thực tế, trong năm qua NHNN đã 2 lần nới lỏng biên độ tỷ giá, từ 0,25% lên 0,5% và gần đây nhất là lên 0,75%; nới rộng quy định về bán ngoại tệ cho các NHTM theo hướng bán cho các NH khi có trạng thái ngoại hối bằng hoặc dưới mức âm 5% thay vì 10% so với trước đây. Với quan điểm này có thể thấy NHNN sẽ tạm thời chưa có sự can thiệp nếu như mức độ biến động không vượt quá +-0,75%.
Theo TS Trần Văn Dần, chuyên gia tài chính, NHNN cần xác định được tỷ giá hối đoái thực tế hiệu quả đối với một rổ tiền tệ mà Việt Nam có quan hệ thương mại lớn, coi tỷ giá thực tế hiệu quả là trung tâm để điều hành chính sách tỷ giá hối đoái. Nếu làm được như vậy và công bố trước điều đó thì các NHTM có thể dự đoán được mức độ dao động của tỷ giá hối đoái, có thể sử dụng các công cụ của thị trường phái sinh để phòng ngừa rủi ro.
Một tỷ giá hối đoái linh hoạt sẽ thúc đẩy thị trường hối đoái phát triển và đặt các DN phải quan tâm nhiều hơn đến rủi ro hối đoái. Như vậy, các DN không nên ỷ lại vào việc NHNN duy trì một tỷ giá hối đoái cứng nhắc. Điều đó không còn phù hợp khi Việt Nam gia nhập WTO và khi tự do hóa các giao dịch vãng lai và giao dịch tài khoản.
Mai Thảo