Sự việc được tóm lược như sau: CLB Quảng Nam “ra điều kiện” với cơ quan quản lý mới, qua đó nếu hỗ trợ tìm được nhà tài trợ thì sẽ giữ CLB, còn không có thì giải thể.
Dù có thêm lựa chọn, nhưng ai cũng biết là sự tồn tại của Quảng Nam FC rất khó xảy ra, bởi ngay chính CLB Đà Nẵng còn chật vật tìm nguồn tài chính để duy trì.

Trong trường hợp Quảng Nam FC giải thể, thì các nhà tổ chức V-League có thể sẽ đôn đội Bình Phước - á quân giải hạng nhất lên thay thế. Điều này dẫn đến sự biến động lớn ở giải hạng nhất khi rất nhiều khả năng sẽ có một loạt CLB xin rút lui không thi đấu ở mùa giải 2025-2026. Ngoài nguyên nhân sáp nhập địa phương, thì lý do chính vẫn là việc nhiều đội hạng nhất không thể thu xếp tài chính cho hoạt động thi đấu chuyên nghiệp.
Bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm phát triển chuyên nghiệp vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của nhà tài trợ trong bối cảnh sự hỗ trợ (nếu có) của địa phương chỉ chiếm phần nhỏ. Không chỉ tại Việt Nam, mà thực tế trên thế giới, doanh thu từ tài trợ - quảng cáo luôn quan trọng trong bóng đá và thể thao chuyên nghiệp nói chung.
Sự khác biệt ở chỗ, với thể thao chuyên nghiệp thế giới, tỷ trọng của nguồn thu tài trợ chỉ chiếm trên dưới 50%, còn với bóng đá và thể thao Việt Nam nói chung thì con số này có thể lên đến 80% hay thậm chí 90%.
Tài trợ - quảng cáo là mối quan hệ có đi - có lại. Có nghĩa, nhà đầu tư chi tiền thì CLB phải thể hiện được tham vọng về chuyên môn, tạo ra được thành tích và chất lượng cao trong thi đấu. Như vậy, việc không có tài trợ hoặc không thể tìm được số tiền cần thiết, tức là “sản phẩm” không ổn, bán mà không ai mua, hoặc không biết cách bán hàng.
Đó là vấn đề lớn của thể thao Việt Nam trong bối cảnh chưa thể hình thành được nền kinh tế thể thao, mà bóng đá chỉ là lát cắt sinh động nhất. Chúng ta có nền thể thao mạnh, đang phát triển, xây dựng được vị thế ở khu vực Đông Nam Á và châu lục, có nhiều VĐV hoặc thành tích tập thể ở đẳng cấp thế giới, đủ tiềm năng tiếp cận với thể thao chuyên nghiệp, nhưng khả năng “bán hàng” để tìm nguồn thu cho hoạt động đầu tư thì lại kém.
Cần phải thấy rằng, tiền đầu tư cho thể thao thường không có con số giới hạn - càng nhiều càng tốt. Chính vì thế, những CLB bóng đá hay đội thể thao đỉnh cao không thể “đặt hết trứng vào một rổ”, cụ thể là việc phụ thuộc hoàn toàn vào tài trợ - quảng cáo. Vì lý do khách quan, các đội bóng ở tỉnh nhỏ thường khó vận động tài trợ như ở các thành phố lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp.
Thậm chí có trường hợp, như TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, nhưng hiện còn không có CLB chuyên nghiệp nào, kể cả sau khi sáp nhập. Việc dựa hoàn toàn vào tài trợ - quảng cáo rõ ràng là không bền vững.
Để giải bài toán này thì việc đầu tiên phải là sự năng động, chuyên nghiệp của chính người làm thể thao, trong đó phải nói đến công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để đa dạng hóa “sản phẩm” tiếp cận với nhiều nguồn tiền khác nhau, từ doanh nghiệp để tài trợ cho đến thuyết phục người hâm mộ chi tiền cho đội bóng mình yêu thích.
Trong thời đại số hóa, không thể không tính đến một nguồn thu quen thuộc của thể thao nhà nghề, đó là bản quyền hình ảnh, cá nhân hóa các trải nghiệm của người xem, xây dựng cộng đồng người hâm mộ trên nền tảng trực tuyến và không chịu sự giới hạn địa giới hành chính.
Ví dụ như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm hiểu thói quen xem bóng đá, mối quan tâm chính của người xem, những gì mà họ chờ đợi từ đội bóng yêu thích…, qua đó xây dựng lối chơi, phong cách thi đấu, hoạt động tương tác phù hợp.
Làm bóng đá hay thể thao chuyên nghiệp thì không thể ngồi đợi tiền tự đến hay nhờ người khác tìm giúp. Sự thay đổi của thời đại đã tạo ra nhiều cơ hội bán hàng tốt hơn cho thể thao Việt Nam.
Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, quan trọng là chính người làm bóng đá, thể thao phải tự thay đổi, tìm cách tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, khác biệt, phục vụ được nhiều phân khúc…