Tuy nhiên, báo cáo do Công ty tư vấn Baringa (Anh) thực hiện cho thấy, cạnh tranh toàn cầu khốc liệt về nhân công và thiết bị phục vụ việc sản xuất turbine gió, dây cáp điện và tấm pin năng lượng mặt trời có thể cản trở các dự án về năng lượng tái tạo của Anh.
Từ một nước có nguồn điện than chiếm 40% trong tổng nguồn cung năng lượng, dự kiến trong năm 2024, toàn bộ các nhà máy nhiệt điện ở Anh sẽ dừng hoạt động. Tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo của Anh tăng từ 10% (năm 2010) lên 40% tổng lượng điện sản xuất vào năm 2023 và sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Trong đó, ngành điện gió đang nhận được nhiều quan tâm khi Anh trở thành quốc gia chỉ đứng sau Trung Quốc về công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi. Chính phủ Anh đặt mục tiêu tăng gấp 3 công suất điện gió ngoài khơi lên 50GW vào năm 2030 và tăng gấp 4 công suất điện mặt trời lên 75GW vào năm 2035. Kế hoạch phát triển điện gió khuyến nghị ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, bao gồm thiết kế và sản xuất cánh quạt và tháp gió ngoài khơi, nền móng turbine và hệ thống điện.
Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị quan trọng hiện được sản xuất bên ngoài Anh. Baringa cảnh báo những mục tiêu này có thể sẽ không đạt được do thiếu hụt các sản phẩm như nền móng turbine, cáp điện cao thế và tàu để lắp đặt các thiết bị. Các nhà cung cấp cũng không mặn mà với việc xây dựng các nhà máy mới do không chắc chắn về kích cỡ turbine và mức độ hỗ trợ của nhà nước đối với các dự án phát triển điện gió.
Để khắc phục, Chính phủ Anh đã thực hiện các bước thúc đẩy chuỗi cung ứng, tăng cường hỗ trợ đầu tư. Dù vậy, giới quan sát cho rằng vẫn cần có đánh giá toàn diện hơn về phát triển năng lượng tái tạo, các ngành liên quan và chính phủ cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để giải quyết các hạn chế trong chuỗi cung ứng.