VFF đã thuê sân Mỹ Đình lâu dài, xem là “sân nhà” của đội tuyển Việt Nam khi thi đấu quốc tế; chưa kể, các sự kiện thể thao quan trọng khác dự kiến được tổ chức ở sân Mỹ Đình (điền kinh) hay Cung thể thao dưới nước (bơi lội, lặn)... nhiều khả năng phải bị hủy bỏ nếu Khu LHTTQG Mỹ Đình buộc phải dừng hoạt động.
Về lý thuyết, các rắc rối liên quan đến chuyên môn nói trên sẽ có cách giải quyết, vì chúng ta không thiếu cơ sở vật chất tương đương. Nhưng rõ ràng, để Khu LHTTQG Mỹ Đình - bộ mặt của thể thao quốc gia phải dừng hoạt động vì các yếu tố ngoài chuyên môn - là chuyện không nên xảy ra.
Đây rõ ràng là bài toán vừa cũ, vừa khó cho ngành TDTT, khi mà trách nhiệm của bộ máy quản lý Khu LHTTQG Mỹ Đình cũ chưa được xử lý một cách triệt để, dẫn đến rắc rối kéo dài. Khoản nợ thuế cũ cũng đã xác định được trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan, nhưng đó là một số tiền nằm ngoài khả năng giải quyết của những người quản lý hiện tại. Việc phong tỏa tài khoản và cả mã số thuế cho thấy cơ quan quản lý thuế dường như muốn chốt lại những rắc rối do ban quản lý cũ gây ra, tránh liên lụy đến các hoạt động kinh doanh trong tương lai của khu liên hợp này.
Có nhiều câu hỏi đặt ra cho ngành thể thao. Thứ nhất, đó là việc giải quyết khoản nợ cũ thuộc về trách nhiệm của cá nhân hay của ngành, mà cụ thể là Khu LHTTQG Mỹ Đình; liệu ngành thể thao đã vào cuộc một cách quyết liệt để xác định được những ai liên quan để qua đó có biện pháp xử lý? Thứ hai, nếu đây là hậu quả của công tác quản lý, cơ chế giao việc, thì đã có hướng giải quyết nhằm tránh các trường hợp tương tự không? Bởi nếu rắc rối đến từ những tồn tại của cơ chế quản lý tài sản thể dục thể thao thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ việc khác.
Các cơ sở vật chất mang tầm quốc gia như Khu LHTTQG Mỹ Đình thường phải gánh 2 trách nhiệm: Tổ chức sự kiện mà các đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế, đồng thời cũng phải bảo đảm vận hành, bảo dưỡng ở tiêu chuẩn cao nhất với ngân sách đã được phân bổ. Để có được sự hài hòa và tạo ra hiệu quả trong công tác quản lý, chắc chắn không đơn giản, rất cần người giỏi về kinh doanh - quản trị, chứ không chỉ giỏi về chuyên môn thể thao. Sự lúng túng, chậm trễ trong xử lý nợ thuế tồn đọng cho thấy gần như không có phương án nào để thuyết phục cơ quan thuế dỡ phong tỏa tài khoản. Nghĩa là nếu cơ quan thuế bỏ qua lần này thì chẳng có gì bảo đảm sẽ không lặp lại, và khi đó chính cơ quan thuế lại chịu trách nhiệm. Như vậy, trong trường hợp những người có trách nhiệm của ban quản lý cũ không khắc phục được hậu quả, thì Khu LHTTQG Mỹ Đình chỉ có thể hoạt động thông qua một cơ chế đặc thù hay ngoại lệ nào đó đến từ những cơ quan cấp cao hơn nhằm tạo điều kiện cho các đội tuyển thi đấu.
Vì vậy, bài toán quan trọng nhất mà ngành thể thao cần tìm lời giải đối với Khu LHTTQG Mỹ Đình đó là công tác giám sát. Việc ban quản lý cũ cho thuê đất kinh doanh bát nháo dẫn đến thất thu thuế có dấu hiệu của việc buông lỏng, thậm chí là có sự tiếp tay của một số nhà quản lý cấp trên. Với một diện tích lớn về cơ sở vật chất, đất đai bỏ trống thường dễ phát sinh tiêu cực (lợi dụng cơ chế, lạm quyền trong công tác quản lý...). Ngoài ra, là một công trình công ích, phục vụ cộng đồng, phục vụ sự nghiệp thể thao quốc gia, nên trong các hoạt động kinh doanh như cho thuê, đàm phán hợp đồng những cơ sở vật chất thể thao cũng dễ có trường hợp dễ dãi, qua loa khiến nguồn thu không tương xứng với chi phí bảo dưỡng, duy trì. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của Ban quản lý Khu LHTTQG Mỹ Đình cũng là vấn đề cần được xem xét.