Theo trang NPR của Mỹ, trải nghiệm văn phòng hàng ngày có thể khiến nhân viên không còn cảm thấy không quen thuộc nữa. Đối với nhiều nhân viên ở xa, họ đã quen với năng suất cao trong rất nhiều giờ mà không cần đi lại, không có thời gian giữa các cuộc họp.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, về cơ bản chúng ta có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, Qualtrics cũng đưa ra mô hình làm việc phổ biến nhất mà NLĐ hướng tới: kết hợp 3 ngày làm việc tại nhà (WFH) và 2 ngày còn lại trong tuần làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, theo một bài viết trên CNBC ngày 1-3, nhiều nước châu Á đang cởi mở hơn, công bố một mô hình linh hoạt tuần làm việc 4 ngày để thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn cho nhân viên của mình, trong đó có Panasonic ở Nhật Bản.
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có nền văn hóa làm việc khắt khe với thời gian làm việc kéo dài. Sau khi các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sang chế độ làm việc theo giờ linh hoạt và làm việc từ xa vào năm 2020, họ bắt đầu phân tích những thay đổi này ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của nhân viên như thế nào. Panasonic cho biết: “Hạnh phúc của nhân viên là ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng là chúng tôi phải giao tiếp và thúc đẩy sự hiểu biết về mục đích này”.
Có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên ngày càng tăng của nhiều NLĐ. Hơn 3/4 người Singapore (76%) bày tỏ sự quan tâm lớn đến những công việc có thời gian nghỉ 3 ngày cuối tuần.
Báo cáo của Qualtrics cũng lý giải nguyên nhân mà các chủ sử dụng lao động cần phải lắng nghe, thấu hiểu và hành động nhằm đáp ứng nguyện vọng của NLĐ, vì nơi làm việc mà nhân viên quay lại sẽ không giống 2 năm trước. Luồng công việc đã thay đổi. Kỳ vọng đã thay đổi. Đội nhóm có thể sẽ khác. Họ cần học lại cách tương tác với đồng nghiệp cũ và mới.
Theo bà Lauren Huntington, nhà chiến lược về Giải pháp trải nghiệm nhân viên của Qualtrics tại Đông Nam Á, các nghiên cứu của Qualtrics đã chỉ ra, việc giải quyết những thách thức không chỉ đơn giản là đặt lịch làm việc mới hoặc tăng cường sự tham gia, tương tác với NLĐ mà là khả năng thay đổi nhanh chóng, thích nghi trước các tác động lớn. Trên hết, khi nhân viên trở lại văn phòng, việc kiểm tra định kỳ sức khỏe của họ sẽ phải là ưu tiên hàng đầu của mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Mao Gen Foo, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Qualtrics, gần 80% số nhân viên kêu gọi người sử dụng lao động cung cấp các dịch vụ như vậy, nhưng chỉ có 39% thực sự được quan tâm.
Quay trở lại làm việc tại các văn phòng sẽ giúp nhân viên năng động hơn. Nhân viên cấp dưới cần người cố vấn, hướng dẫn, điều mà họ không thể tiếp cận khi làm việc tại nhà. Ngoài ra, nhân viên quay lại làm việc tại các văn phòng sẽ giúp xây dựng và củng cố văn hóa của các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp muốn chuyển sang một môi trường làm việc kết hợp và cạnh tranh hiệu quả trong cuộc đua tìm kiếm nhân tài thì họ phải thiết kế các dịch vụ mới cùng các cải tiến phù hợp với sự thay đổi kỳ vọng của nhân viên.