Cung ứng dược phẩm

Bài toán cho “hậu Zuellig Pharma Việt Nam”?

Bài toán cho “hậu Zuellig Pharma Việt Nam”?
  • Chưa dám chắc là không thiếu!
Bài toán cho “hậu Zuellig Pharma Việt Nam”? ảnh 1

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 24-9, DS Nguyễn Xuân Cẩm, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM một lần nữa khẳng định, tình hình dược phẩm trên địa bàn thành phố vẫn được giữ ở mức ổn định.

Ông Cẩm “đính chính” rằng cần phải nói chính xác đến thời điểm này tại TPHCM chưa xảy ra tình trạng thiếu thuốc chứ không thể khẳng định là không thiếu thuốc (bởi theo ông thị trường vẫn luôn có những biến động ngoài ý muốn).

Ông Cẩm cho biết thêm, trên 300 mặt hàng của Zuellig Pharma Việt Nam (ZPV) vẫn được Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (phytopharma) cung cấp. Tại các trung tâm bán sỉ nguồn hàng vẫn rất dồi dào, giá không thay đổi. Việc cung ứng thuốc trong các bệnh viện vẫn giữ được ổn định, không có tình trạng thiếu thuốc, nhất là các thuốc biệt dược và đặc trị.

Trên thực tế, theo phản ánh của bạn đọc đã có tình trạng tăng giá lẻ tẻ tại một vài điểm bán lẻ. Lý do tăng giá của các nhà thuốc này rất đơn giản là “không tìm được hàng”… Theo nhận định của các giám đốc doanh nghiệp dược, sự tận dụng “thời điểm vàng” của các nhà thuốc (điểm bán lẻ) để trục lợi có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thị trường phân phối sỉ thuốc.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra giám sát tránh tình trạng đầu cơ tích trữ hay lợi dụng cơ hội khan hiếm giả để tăng giá thuốc. Tại cuộc họp gần đây, DS Nguyễn Xuân Cẩm đề nghị các đơn vị hay các cá nhân khi phát hiện cơ sở bán thuốc cao giá nên gọi cho Sở Y tế theo số đường dây nóng: 9330807.

  • Nhập khẩu song song hay...?

Để đảm bảo nguồn hàng và hạ giá thành sản phẩm, thời gian qua Bộ Y tế đã đồng ý cho các đơn vị kinh doanh dược thực hiện giải pháp nhập khẩu song song. Vào thời điểm tháng 6, Sở Y tế TPHCM cũng đã có nhiều buổi làm việc với các công ty dược phẩm đóng trên địa bàn để bàn hướng tìm nguồn hàng thay thế nguồn hàng của ZPV theo cách nhập khẩu song song.

Mặc dù sau ngày 5-9 (ngày ZPV không còn chức năng phân phối trực tiếp dược phẩm trên lãnh thổ Việt Nam) thị trường dược phẩm không có khan hiếm như dự báo nhưng việc các đơn hàng nhập khẩu song song có mặt trên thị trường đã góp phần làm giảm giá khá nhiều.

DS Phạm Anh Kiệt, Công ty Dược phẩm Trung ương 2 (Codupha) cho biết hiện công ty đã nhập khẩu song song được 32 mặt hàng từ thị trường châu Âu với tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Các mặt hàng nhập khẩu song song của Codupha trung bình giá giảm so với mặt hàng của ZPV khoảng 20%. Công ty Dược và vật tư y tế Phú Yên (chủ yếu cung ứng tại TPHCM) cũng đã nhập khẩu song song được 16 mặt hàng với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Hàng của công ty này cũng giảm giá từ 15% đến 20%.

Tuy nhiên với một thị trường dược phẩm lớn như TP Hồ Chí Minh thì 48 mặt hàng nhập khẩu song song chẳng thấm tháp vào đâu. Để tăng cường nguồn hàng, các công ty cũng đã giữ nhiều đơn hàng nhưng do thiếu các qui định cần thiết như mẫu mã nhãn hiệu bao bì nên chưa được Cục Quản lý dược duyệt. Để giải thế bí này, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị Cục Quản lý dược cho các đơn vị nhập khẩu các đơn hàng trước rồi bổ sung nhãn hiệu bao bì sau.

Theo DS Trần Việt Trung- Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế, cái khó nhất của nhập khẩu song song vẫn là nguồn hàng. Các công ty đa quốc gia không dễ gì để “sản phẩm” của mình lọt vào tay người khác –với giá rẻ. Trong khi đó các nhà sản xuất nước ngoài cũng chẳng “dại gì” làm mất lòng bạn hàng truyền thống của mình. Đó là chưa kể có nhiều đơn hàng được duyệt nhưng bạn hàng không thể cung cấp vì số lượng mặt hàng quá ít. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế (YTECO) được duyệt nhập song song 3 mặt hàng nhưng bị bạn hàng từ chối vì lý do này. Với những vướng mắc đó xem chừng giải pháp nhập khẩu song song không còn là giải pháp tối ưu để bình ổn giá dược phẩm.

DS Nguyễn Xuân Cẩm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, gần đây Sở đã chỉ đạo các đơn vị “chuyển hướng” nhập khẩu thay thế. Việc nhập khẩu thay thế – thay thế các mặt hàng cùng tên gốc nhưng khác tên thương mại và khác nhà sản xuất. Việc nhập khẩu theo hướng này về cơ bản không bị “vướng” các công ty đa quốc gia. Để phong phú thêm nguồn hàng, ngoài giải pháp này nhiều giám đốc doanh nghiệp đề xuất phương án thứ 3: nhập khẩu thuốc tương tự - thuốc khác tên gốc nhưng hoàn toàn có tác dụng như thuốc tên gốc. Với hướng mở này thì khả năng cung ứng thuốc và giá thuốc chắc chắn sẽ được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo DS Hoàng Thế Tân, Giám đốc Công ty Phytopharma thì cái khó vẫn là thay đổi tư duy của BS điều trị trong kê toa. Bởi không thể một sớm một chiều xóa được ảnh hưởng của các tên thuốc thương mại trong “ký ức” của các bác sĩ nếu không có các giải pháp mạnh từ Bộ Y tế trong quy chế kê toa. Và khi chưa “khống chế” được “cửa ải” này thì nhiều lúc thuốc thừa mà lại hóa thiếu – bởi bác sĩ không kê những tên thuốc nhập theo phương thức thuốc thay thế hay thuốc tương tự. Khi đó bài toán bình ổn giá thuốc lại nằm ngoài tầm của nỗ lực ngành dược.

HỒNG LAM

Tin cùng chuyên mục