Liên tiếp 2 ngày qua, một số cá nhân tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã có hành vi ngăn chặn phương tiện vận chuyển rác thải vào khu vực bãi rác Khánh Sơn, khiến hàng ngàn tấn rác ùn ứ tại khu vực trung tâm thành phố, gây ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự. Đến sáng 8-7, sự việc đã vãn hồi khi Đà Nẵng điều lực lượng cảnh sát cơ động đến bảo vệ trật tự để các xe chở rác vào đổ trong bãi rác Khánh Sơn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, cho đến 11 giờ 30 ngày 8-7, toàn bộ những cá nhân tổ chức chặn đường vào bãi rác Khánh Sơn đã được các cấp chính quyền TP Đà Nẵng vận động giải tán. Hàng chục lượt xe chở rác liên tục vào đổ rác tại bãi rác Khánh Sơn. Cho đến chiều 8-7, Công an TP Đà Nẵng và Công an quận Liên Chiểu vẫn triển khai lực lượng tại bãi rác Khánh Sơn để đảm bảo an ninh trật tự. Lượng rác ùn ứ ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng đã được Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, cho biết, việc vận chuyển rác vào bãi rác Khánh Sơn đã hoạt động trở lại bình thường. Hiện nay, bãi rác Khánh Sơn chỉ còn khoảng 200 ngày chôn lấp rác tươi là hết khả năng chứa, vì vậy TP Đà Nẵng sẽ triển khai các phương án để nâng cao khả năng của bãi rác này. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ cho xây dựng nhà máy đốt rác thải thành điện. Đã có 42 nhà đầu tư xin đăng ký đầu tư nhà máy xử lý rác theo 7 nhóm công nghệ, tuy nhiên, theo tư vấn của ADB (Ngân hàng phát triển châu Á), công nghệ đốt rác thành điện là phù hợp nhất trong điều kiện đô thị như Đà Nẵng.
Ông Tô Văn Hùng cho biết thêm, trên cơ sở 7 nhóm công nghệ xử lý rác, Đà Nẵng đang thận trọng tiếp cận và xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn, như: tính phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là đặc tính về rác; công nghệ tiên tiến, đáp ứng chặt chẽ điều kiện vệ sinh môi trường; năng lực nhà đầu tư về vốn, khả năng sở hữu công nghệ, kinh nghiệm; các yếu tố về mặt xã hội như tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng mục tiêu hướng đến thành phố sinh thái và xác định rác là tài nguyên.