Liên quan đến việc bãi rác An Hiệp (bãi tập kết rác thải lớn nhất tỉnh Bến Tre) bị quá tải, hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt không được thu gom, người dân phải mang rác ra vỉa hè, công viên, khu dân cư, chợ… chất đống, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Báo SGGP số ra ngày 26-7 và 28-7 đã có bài phản ánh), sáng 28-7, tại buổi giao ban báo chí tháng 7-2023 của tỉnh Bến Tre, đại diện Sở TN-MT đã thông tin một số giải pháp khắc phục bước đầu.
Ông Trịnh Minh Khôi, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bến Tre, thông tin, những ngày qua, sở đã yêu cầu UBND TP Bến Tre và huyện Châu Thành chuyển rác thải sinh hoạt ở 2 địa phương này về tập kết tạm ở Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (đang bị tạm ngưng hoạt động do vi phạm), thay vì chở về tập kết ở bãi rác An Hiệp như trước, để giảm tải cho bãi rác này.
Sở TN-MT tỉnh Bến Tre cũng cho phun hóa chất, phủ bạt kín hơn 50% diện tích bãi rác An Hiệp để hạn chế mùi hôi phát tán; đồng thời xây tường quanh bãi rác, ngăn nước từ rác thải chảy ra môi trường xung quanh.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết triệt để việc bãi rác An Hiệp bị quá tải và ô nhiễm môi trường do bãi rác này gây ra, chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh rút ngắn các thủ tục lập quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, khẩn trương thực hiện Dự án mở rộng quy mô, nâng công suất bãi rác An Hiệp”, ông Trịnh Minh Khôi thông tin. Ông Trịnh Minh Khôi cho biết tỉnh Bến Tre đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư lò đốt rác để gia tăng khả năng xử lý rác thải ở địa phương.
Tại buổi giao ban báo chí, PV Báo SGGP đặt vấn đề: “Đối với số lượng lớn rác thải không được thu gom (ước tính hàng chục tấn) mà người dân, doanh nghiệp đổ đống tràn lan trên vỉa hè, công viên, ao cá, chợ… hiện nay, chính quyền và ngành chức năng địa phương xử lý thế nào? Hậu quả để lại về môi trường, sức khỏe người dân, ai chịu trách nhiệm?”.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bến Tre Trịnh Minh Khôi nói rằng, phần lớn rác thải chưa được thu gom hiện nay chủ yếu tập trung ở huyện Ba Tri. Địa phương đang nghĩ cách giải quyết nhưng chưa có phương án căn cơ. Trước mắt, chính quyền và ngành chức năng địa phương sẽ vận động để người dân đồng thuận, không ngăn cản xe chở rác vào bãi rác An Hiệp, sau đó thu gom dần và chở đến tập kết ở bãi rác này.
Đại diện lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bến Tre thông tin, địa phương đã liên hệ một số tỉnh, thành phố khác ở ĐBSCL để được hỗ trợ xử lý rác thải tồn đọng, nhưng hầu hết đều cho biết đang quá tải hoặc chỉ đủ công suất để xử lý rác ở địa phương. Thời gian qua, Sở TN-MT tỉnh Bến Tre đã kêu gọi, tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng thêm nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn, nhưng chưa có đơn vị nào liên hệ.
“Bộ Xây dựng và Bộ TN-MT nên rà soát, điều chỉnh một số quy định vì một số thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, bãi chôn lấp rác thải chưa sát với thực tế. Chẳng hạn như quy định nhà máy xử lý rác thải phải nằm tách bạch khu dân cư, nhà dân nhưng thực tế, để đảm bảo điều kiện này ở một số tỉnh ĐBSCL rất khó do hầu hết nhà dân nằm rải rác, không tập trung”, đại diện lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bến Tre kiến nghị.