Từ nghiên cứu khoa học
Trước đây, thành phố này có mức tiêu thụ than rất cao, đặc biệt vào mùa đông cần sưởi ấm, dẫn đến chất lượng không khí xấu trầm trọng. Mùa xuân, Bắc Kinh thường hứng chịu bão cát từ sa mạc Mông Cổ, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Nghiên cứu của nhóm khoa học tại Viện Paul Scherrer, Thụy Sĩ hợp tác Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh và Đại học Helsinki, Phần Lan công bố vào tháng 8-2024 đã làm sáng tỏ thêm tính phức tạp của ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh.
Trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, khi các hoạt động kinh tế, giao thông và tiêu thụ than giảm mạnh, người ta kỳ vọng rằng chất lượng không khí sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vẫn duy trì ở mức cao.
Kết quả này đã phá vỡ giả thuyết rằng các nguồn phát thải nội đô là yếu tố chính gây ô nhiễm, đồng thời làm rõ một thực tế: ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh thường bắt đầu từ bên ngoài thành phố. Các chất ô nhiễm được vận chuyển từ khoảng cách hàng trăm kilômét, biến đây thành vấn đề mang tính khu vực thay vì chỉ là thách thức cục bộ.
Ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến tầm nhìn, sức khỏe và đời sống người dân, buộc chính phủ phải hành động.
Thực tế, theo China Daily, Bắc Kinh tuyên chiến với ô nhiễm không khí từ năm 1998, bắt đầu bằng việc kiểm soát đốt than và khí thải phương tiện. Các chất ô nhiễm chính như carbon monoxide và sulfur dioxide ban đầu vượt quá giới hạn quốc gia, đã giảm đáng kể nhờ cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng và hệ thống giao thông.
Đến năm 2013, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào lò hơi đốt than, nhiên liệu sạch hơn và tái cơ cấu công nghiệp. Từ năm 2013 đến năm 2023, nồng độ PM2.5 giảm 35%, và khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc giảm 25%. Các khí thải nguy hiểm như SO₂, NOₓ và PM10 giảm từ 43%-83%.
Đến thực tiễn xử lý
Các chính sách đột phá bao gồm áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát 2 nguồn phát thải lớn nhất là giao thông và công nghiệp. Các biện pháp như hạn chế xe cộ theo biển số chẵn - lẻ, khuyến khích sử dụng xe điện và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải từ phương tiện giao thông. Đồng thời, hàng ngàn nhà máy gây ô nhiễm nặng đã bị đóng cửa hoặc chuyển đổi sang công nghệ sạch.
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng diện tích cây xanh đô thị và trồng rừng ngoại ô. Những không gian xanh này không chỉ giúp hấp thụ bụi mịn mà còn giảm bớt nhiệt độ đô thị, mang lại lợi ích kép cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Thành phố cũng đã thành công trong việc thúc đẩy nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí thông qua các chiến dịch giáo dục và minh bạch thông tin. Các dữ liệu về chất lượng không khí được công bố theo thời gian thực, giúp người dân hiểu rõ hơn về mức độ nguy hại và cách bảo vệ sức khỏe cá nhân. Đồng thời, chính quyền cũng tích cực hợp tác với các khu vực lân cận để kiểm soát nguồn phát thải xuyên biên giới.
Một yếu tố quan trọng là sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền. Ngân sách dành cho các chương trình kiểm soát ô nhiễm của thành phố đã tăng từ hơn 3 tỷ nhân dân tệ (434 triệu USD) năm 2013 lên 18 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỉ USD) năm 2017. Những khoản đầu tư này được sử dụng để cải thiện hệ thống giao thông công cộng, kiểm soát khí thải công nghiệp và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch.
Kết quả, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại Bắc Kinh đã giảm hơn 60% trong vòng một thập kỷ. Dù vẫn còn những thách thức môi trường như ô nhiễm nước, hành trình của Bắc Kinh cung cấp bài học quý giá về cách giải quyết ô nhiễm không khí trong các đô thị lớn đang phát triển.