Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện về các mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong năm 2019, HLV Park Hang-seo đã chủ động nhận lại trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển U.22 tại SEA Games 30 vào cuối năm. Mặc dù cách đây không lâu, chính chuyên gia Hàn Quốc này đã đề nghị VFF giảm tải cho ông khi mà thời điểm diễn ra SEA Games cũng là lúc đội tuyển quốc gia đang thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Với thể thao Việt Nam, HCV môn bóng đá nam tại SEA Games chính là thành tích duy nhất còn thiếu trong tất cả những môn thi đấu cơ bản, kể từ khi chúng ta hội nhập trở lại với thể thao khu vực ở SEA Games 16 (năm 1991) đến nay. SEA Games 30 sẽ được tổ chức tại Philippines, khả năng Đoàn thể thao Việt Nam không giữ được vị trí trong tốp 3 rất dễ xảy ra do các yếu tố khách quan đến từ nước chủ nhà, khi đó, chiến thắng ở môn bóng đá nam sẽ là sự bù đắp không hề nhỏ. Chính vì thế mà chiếc HCV bóng đá lại còn mang trên mình vai trò lớn hơn, chưa kể đến nhiệm vụ phải tiếp nối sự thành công của nền bóng đá trong hơn 1 năm qua.
Có lẽ vì nhận thức được ý nghĩa của chiếc HCV SEA Games mà HLV Park Hang-seo thay đổi ý định, đồng ý “nhảy vào lửa”. Cần phải biết rằng, từ khi SEA Games chuyển sang độ tuổi U.23, tính đến nay chỉ có 2 HLV giữ được vị trí của mình sau SEA Games là ông A.Riedl (2005) và H.Calisto (2009), 6 người khác đã bị mất việc khi không đạt thành tích tốt. Với những công trạng quá lớn của mình, vị trí của HLV Park Hang-seo sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu ông không thành công ở SEA Games 30, nhưng ít nhiều thì cũng ảnh hưởng đến tâm lý, uy tín và cả sự tập trung đối với chiến dịch vòng loại World Cup vốn được ưu tiên hàng đầu.
Biết là khó, nhưng nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn nhận nhiệm vụ, đó chính là thái độ của một người chuyên nghiệp và là tinh thần trách nhiệm của một người đứng đầu. Ông Park không thể “bỏ rơi” các cầu thủ trẻ của mình, những người sắp đến sẽ cùng làm việc với ông ở vòng loại U.23 châu Á, cũng là những người sẽ được chọn lựa để xây dựng nền móng cho đội tuyển quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện cùng lúc các mục tiêu, HLV Park Hang-seo yêu cầu phải bổ sung cho ông 4 trợ lý, phần lớn là các chuyên gia Hàn Quốc khác. Đề nghị được chấp nhận và hiện nay, ban huấn luyện mà ông Park đứng đầu đang có đến 8 người cùng làm việc với nhau.
Đây chính là bài học đáng giá cho bóng đá Việt Nam. Lâu nay, chúng ta đặt rất nhiều mục tiêu nhưng có vẻ như không biết mình phải làm gì để đạt được thành công. VFF có thói quen “khoán trắng” cho HLV trưởng để rồi khi thất bại, ngay lập tức đổ hết trách nhiệm cho ông ta. Trong khi đó, việc đầu tiên để ông Park chấp nhận thách thức đó là tìm kiếm cộng sự cho mình. Một người lão luyện như ông hiểu rằng, sẽ chẳng thể có thành công nếu thiếu đi tính khoa học trong công việc và sự đóng góp của các trợ lý. Muốn lo cho nhiều mục tiêu cùng lúc, cách tốt nhất là tìm thêm thời gian cho mình bằng cách san sẻ công việc cho người khác. Ông Park chắc chắn vẫn là người chịu trách nhiệm chính, nhưng ông không muốn tự mình làm hết mọi thứ.
Ở góc độ lớn hơn, ban huấn luyện đồ sộ mà HLV Park Hang-seo tạo ra đó có thể xem là một yếu tố đầu tư. Thêm người, nghĩa là phải tốn thêm chi phí về lương bổng, chi phí về thiết bị chuyên dùng cho từng phần việc. Đến thời điểm SEA Games 30, đó sẽ là 2 BHL khác nhau, 2 đội tuyển khác nhau, chi phí sẽ tiếp tục được đội lên. Nhưng rõ ràng, việc đầu tư như thế là chính đáng và phù hợp với bóng đá hiện đại. Chưa biết các đội tuyển của chúng ta sẽ thành công hay không nhưng nếu không có sự đầu tư ấy, đừng mong mọi chuyện tốt đẹp.
Những gì mà HLV Park Hang-seo đang tiến hành không biết có được các nhà quản lý bóng đá Việt Nam hiểu rõ và tiếp nhận hay không. Như đã biết, từ lâu chúng ta có thói quen sử dụng HLV theo kiểu “2 trong 1”, lo từ đội tuyển đến đội U.23. Chúng ta có một Hội đồng HLV nhưng phần lớn mang tính hình thức, hầu như chưa được sử dụng đúng mục đích. Chúng ta chỉ cố gắng tìm một cái tên để đặt vào chiếc ghế HLV và sau đó, bỏ mặc ông ta với toàn bộ trách nhiệm, đặc biệt là khi thất bại. Không chỉ có vấn đề về con người, ngay cả các kế hoạch tập luyện cũng tủn mủn, thiếu chiều sâu. Thậm chí có thời điểm như AFF Cup 2012, không thu xếp nổi một trận tập huấn chất lượng để rồi đội tuyển bị loại ngay từ vòng đấu bảng.
Thành công trong bóng đá luôn cần rất nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên vẫn phải có sự chuẩn bị chất lượng từ con người cho đến đầu tư. Đề ra các trách nhiệm cụ thể là điều tốt, nhưng cần phải thể hiện trách nhiệm ấy một cách quyết liệt thì mới đạt hiệu quả cao nhất.