Mánh khóe của Alibaba
Trong dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, các thửa đất đều có mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm, trồng lúa, đều vướng quy hoạch vùng trồng rau sạch và đất quốc phòng, vậy mà Công ty Alibaba vẫn phân lô, rao bán nền.
Trong hợp đồng ủy quyền của chủ đất (bên A) cho Tổng giám đốc Công ty Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh (bên B) cũng có ràng buộc rõ: “Bên A ủy quyền cho bên B được quyền thay mặt và nhân danh bên A quản lý, sử dụng” nhưng “không được sử dụng trái với mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Đây có thể xem là dự án điển hình về hành vi cố tình vi phạm pháp luật của Công ty Alibaba.
80% khách hàng của Công ty Alibaba tham gia đầu tư bằng hình thức góp vốn vào các dự án “ma” để kiếm lời ngắn hạn - được trả lãi 15% cho thời hạn 6 tháng và 28% cho thời hạn 1 năm. Chỉ có 20% khách hàng mua đất nền đợi ra sổ đỏ, nên trong thời gian đầu khoảng 2017-2018, khi giá đất tăng nóng liên tục thì Alibaba gặp may và dễ dàng lấy tiền người sau trả cho người trước và cũng chưa phát sinh đơn tố cáo.
Nhưng đến khi giá đất chững lại hoặc chỉ tăng nhẹ như năm 2019, và cũng đã đến hạn ra sổ nhưng công ty không thanh toán lợi nhuận như cam kết, hoặc không giao sổ đỏ đất ở cho khách hàng được, thì lập tức bão tố ập đến, Công ty Alibaba đã hiện nguyên hình là công ty lừa đảo.
Một mánh khóe nữa của Công ty Alibaba là tự hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tự đầu tư đấu nối hệ thống điện chiếu sáng ở các khu đất nông nghiệp, để phân lô trái phép. Đó là trường hợp xảy ra tại xã Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Công ty Alibaba có đến 14 dự án khu dân cư (theo quảng cáo của công ty) với tổng diện tích 52,7ha, phân thành 3.382 lô đất, do ông Nguyễn Thái Lĩnh ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 127 thửa đất của 11 cá nhân với tổng diện tích 20,7ha và chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ cây lâu năm sang đất ở hay đất chuyên dùng khác.
Vào các ngày 10 và 20-7-2017, ông Lĩnh có đơn gửi UBND huyện Long Thành xin chủ trương thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn, được UBND huyện đồng ý. Khi có “lá bùa” này thì Alibaba cho nhân rộng ra các xã khác, làm cho huyện Long Thành có tất cả 27 “dự án ma”.
Lỗ hổng quản lý nhà nước
Những chiêu trò mà Công ty Alibaba đã sử dụng không phải là quá khó để phát hiện đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương.
Kinh nghiệm từ xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho thấy, UBND xã quản lý chặt từ đầu, khi phát hiện có dấu hiệu san ủi, làm đường, rao bán dự án, xã đã cho dựng bảng thông báo: “Khu quy hoạch vùng sản xuất rau sạch, nghiêm cấm mọi hành vi tự ý làm đường giao thông nông thôn, phân lô bán nền”; “Trên địa bàn xã Long Thọ không có dự án khu dân cư Ali Aqua như rao bán trên mạng”.
Đồng thời, UBND xã cũng mời 2 chủ đất có diện tích trùng lên dự án “ma” mà Công ty Alibaba đang rao bán lên làm việc, yêu cầu viết cam kết không vi phạm. Nhờ đó trên địa bàn không phát sinh thêm dự án “ma”.
Ngược lại, ở thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), dự án phân lô bán nền của Công ty Alibaba và của các công ty khác mọc lên như nấm sau mưa, chỉ với chiêu thức hiến đất làm đường giao thông nông thôn đấu nối vào đường nhựa có sẵn.
Việc thi công diễn ra không phải chỉ 1 - 2 ngày nên chính quyền không thể không biết. Do đó, cũng cần xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tại các địa phương để nảy nở dự án “ma” hàng loạt.