Từ những năm 2000, nhiều nền kinh tế hàng đầu của châu Phi đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhờ khai thác tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá. Nhưng tăng trưởng dựa trên tài nguyên thiên nhiên dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả toàn cầu. Ngoài ra, theo cảnh báo của các nhà kinh tế, còn có những hạn chế khác như thiếu liên kết yếu với các nền kinh tế trong nước, tạo việc làm thấp, tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương, đến biến đổi khí hậu.
Ngược lại, giới chuyên gia kinh tế coi tăng trưởng được thúc đẩy bởi ngành chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu chi phí thấp sẽ có lợi hơn cho sự phát triển, vì nó có tính cạnh tranh toàn cầu và có thể tạo ra nhiều việc làm lương thấp. Đây là con đường đã đưa Singapore, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công đến sự thịnh vượng và được mệnh danh là “những con hổ châu Á”. Những nền kinh tế này đã dựa vào nó một phần để đạt được sự thịnh vượng, với tốc độ tăng trưởng cao ít nhất 7% trong những năm 1950 và 1990.
Thực tế, đã có nhiều quốc gia châu Phi chủ yếu tập trung vào sản xuất hàng dệt may, thực phẩm và đồ uống. Từ năm 2005 đến 2014, sản lượng sản xuất trên khắp lục địa đã tăng hơn gấp đôi, từ 73 tỷ USD lên 157 tỷ USD. Tốc độ này nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Như Kenya, quốc gia chủ yếu sản xuất hàng dệt may tại các khu chế xuất để bán sang Mỹ và Nam Phi, Botswana đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế dựa vào khoáng sản, Mauritius thì xuất khẩu dịch vụ đã bén rễ…
Tuy nhiên, nếu bắt chước rập khuôn, châu Phi có thể đối mặt với gia tăng phân biệt đối xử, gia tăng bất bình đẳng và khủng hoảng trong cuộc sống gia đình. Đây là những bài học mà các nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu Phi nên rút ra từ những con hổ châu Á, từng chủ yếu dựa vào sức lao động của phụ nữ như một tài sản cụ thể rẻ, năng suất cao và dễ kiểm soát. Các số liệu cũ kể từ những năm 1980 cho thấy phụ nữ ở châu Á được hưởng mức lương rất thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, bị sa thải thường xuyên và thiếu quyền cũng như sự bảo vệ của công đoàn. Ngoài những rủi ro về thu nhập không ổn định, không được tiếp cận với bảo hiểm y tế hoặc các mạng lưới an sinh xã hội, phụ nữ còn phải chịu gánh nặng kép về công việc và trách nhiệm chăm sóc gia đình…
Nhiều yếu tố đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong tái sản xuất xã hội ở châu Á. Các quốc gia châu Phi thường không có sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc chăm sóc gia đình và cộng đồng. Bất bình đẳng gia tăng đã là một đặc điểm của nhiều quốc gia châu Phi. Trong trường hợp không có các chính sách của nhà nước để điều chỉnh tiền lương, những bất bình đẳng như vậy có thể sẽ sâu sắc hơn. Để hạn chế tác động, các nhà phân tích và hoạch định chính sách châu Phi nên thúc đẩy trả lương và điều kiện làm việc công bằng, lũy tiến cho tất cả người lao động; đầu tư công nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội; có chính sách hỗ trợ, phân bổ lại lao động.
Theo Asia Times, như kinh nghiệm của châu Á đã cho thấy, thiếu quyết sách hành động sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử về giới hiện có ở châu Phi, và cuối cùng làm suy yếu cơ sở xã hội thiết yếu của tăng trưởng kinh tế.