Thất bại của Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại bán kết AFF Cup nữ 2022 trước Philippines ban đầu gây nên một cú sốc. Nhưng khi Đội tuyển Philippines tiếp tục đánh bại Thái Lan để lần đầu tiên vô địch thì lại vỡ ra nhiều vấn đề. Đây mới là lần thứ 4 trong lịch sử Philippines vào đến bán kết sân chơi bóng đá nữ Đông Nam Á nhưng lần này họ tạo ra một khác biệt quá lớn sau khi chính sách sử dụng lực lượng cầu thủ gốc “Phi kiều” được áp dụng một cách triệt để.
80% cầu thủ của đội tuyển nữ Philippines sinh trưởng ở nước ngoài, mang 2 dòng máu tương tự như trường hợp của thủ môn Đặng Văn Lâm hay các VĐV quần vợt của Việt Nam. Trong khi chiều cao trung bình phía nữ Việt Nam chỉ là 1m58 thì trung bình các cô gái “Phi kiều” đều cao trên 1m70. Nếu thầy trò HLV Mai Đức Chung cả năm mới có 1-2 chuyến tập huấn ở nước ngoài chừng hơn 2 tháng thì đa số đội tuyển nữ Philippines đang sinh sống và tập luyện ở Mỹ, nền bóng đá nữ số 1 thế giới.
Đây không phải là chuyện chạy theo thành tích mà bóng đá Philippines đã có chiến lược “Phi kiều” rất rõ ràng từ suốt một thập niên qua. Quốc đảo này không phổ biến bóng đá và dùng cầu thủ sinh trưởng ở nước ngoài là chọn lựa duy nhất để bóng đá Philippines có được thành tích để qua đó tạo cú hích cho làng cầu nội địa. Phương thức dùng nguồn lực kiều bào sống ở nước ngoài để cải thiện các điểm yếu về thể chất đang rất phổ biến trên thế giới và ngay tại Việt Nam, các môn quần vợt, bóng đá, bơi lội… cũng đang áp dụng. Có thể nói, đây là một trong những yếu tố cần được lưu ý trong bất kỳ chiến lược phát triển nào của thể thao Việt Nam, bởi lẽ nó không đi ngược lại với tinh thần thể thao hay tính nhân văn trong xã hội.
Bóng đá nữ Việt Nam đã vào World Cup lần đầu tiên và theo cơ chế phân bổ suất cho châu Á hiện nay, việc chúng ta dự World Cup thường xuyên không còn là chuyện xa vời. Nhưng thực tế Việt Nam chưa có chiến lược nào dành riêng cho cơ hội lớn ấy. Về mặt con người, bóng đá nữ Việt Nam vẫn đang phải vận hành một hệ thống thi đấu có chưa đến 10 CLB chuyên nghiệp và chỉ nằm ở mức đầu tư tối thiểu chứ chưa nói đến công tác đào tạo, cải thiện sức vóc.
Suốt 20 năm qua, khoảng cách giữa Việt Nam và Hàn Quốc chỉ thu hẹp được một chút, chủ yếu là không còn thua quá đậm dù về thứ hạng tại châu Á chúng ta chỉ kém có vài bậc. Điều này khác hẳn ở bóng đá nam, dù kém xa về thứ hạng so với Hàn Quốc hay UAE nhưng nhờ sự cải thiện về thể hình, kinh nghiệm mà đội tuyển Việt Nam vẫn có thể gây bất ngờ bất kỳ lúc nào. Nói cách khác, nếu không có một sự đột phá nào đó về cách làm thì bóng đá nữ Việt Nam vẫn sẽ đứng yên một chỗ. Khi đó, việc dự World Cup thường xuyên sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu cứ chịu phận lót đường với các thất bại cách biệt đến… ám ảnh.
Bài học từ bóng đá nữ Philippines cho thấy muốn đi xa cần phải có những đổi thay mang tính chiến lược. Chính HLV Mai Đức Chung cũng nhìn nhận nguồn lực Việt kiều cần được lưu tâm cho dù số lượng cầu thủ nữ đang sống ở nước ngoài không được phong phú như bóng đá nam. Nhưng nếu không đặt vấn đề, không mở cánh cửa thì những gì mà bóng đá nữ Việt Nam đã đầu tư hơn 2 thập niên qua sẽ trở nên vô ích, nhất là trong trường hợp các quốc gia như Thái Lan, Malaysia hay Singapore ồ ạt “nhập khẩu” kiều bào của họ để phục vụ cho mục tiêu vượt qua Việt Nam.
Ở một góc nhìn khác, vấn đề sử dụng cầu thủ Việt kiều cũng là một cách nhìn nhận thực tế về điểm yếu thể chất của bóng đá nữ Việt Nam và có giải pháp phù hợp thay vì “ỷ lại” vào ưu điểm kỹ thuật hay tinh thần. Chỉ trong một khu vực Đông Nam Á mà sự thay đổi của Philippines đã ngay lập tức tạo ra khác biệt quá rõ, vậy khi bước ra các sân chơi châu lục, thế giới liệu những điểm mạnh của bóng đá nữ Việt Nam có bù đắp cho những khuyết điểm hay không? Trả lời được câu hỏi đó, quá trình phát triển bóng đá nữ mới có tính khả thi.