“Chơi lớn luôn”
Khác với đám bạn sinh viên năm nhất phải tiết kiệm từng chút khi sống xa nhà, cuộc sống của A.H. thoải mái không chỉ trong chuyện ăn uống, nhậu nhẹt, lang thang đây đó. Câu chuyện “nghèo sang chảnh” đổ bể khi mẹ A.H. từ quê lên tận trường cao đẳng nhờ thầy quản lý sinh viên cùng gia đình tháo gỡ món nợ gần 100 triệu đồng do con trai gây ra.
“Bữa đó đang học thì thầy gọi cả nhóm lên, tụi em ngơ ngác có biết gì đâu, nhìn qua thấy thầy giới thiệu mẹ của A.H. Cô ấy kể về gia đình, tụi em mới biết nhà H. ở quê khó khăn. Chứ nó nói với tụi em là nhà nó giàu lắm, ăn uống hay đi đâu chơi nó cũng giành bao hết. Mà tụi em thì sòng phẳng, nó bao đi chơi thì tụi em lo cơm ba bữa, có qua có lại. Nói một hồi thì nó mới khai ra, ngoài chơi với nhóm tụi em, nó còn chơi với một nhóm khác nữa và nhóm này thường đánh bài, ra vô quán bar, rượu tây tiền triệu mà uống như cơm bữa, thì hỏi sao không đổ nợ”, Nguyễn Thiên Toàn (sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng C.T., ngụ quận 5, TPHCM) kể.
Chuyện như A.H. cũng không phải quá hiếm, “nghèo sang chảnh” hay “chơi lớn luôn” trở thành câu cửa miệng quen thuộc trong một bộ phận bạn trẻ. Nói về mớ hình ảnh vừa chia sẻ trên trang cá nhân sau chuyến du lịch nghỉ dưỡng gần chục triệu đồng, dù chỉ mới ra trường và đi làm hơn 3 tháng, Trần Ngọc Anh (23 tuổi, nhân viên xuất nhập khẩu, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Việc đi làm và tận hưởng những kỳ nghỉ hay mua sắm cho bản thân là chuyện bình thường thôi, đó cũng là cách để mình tái tạo năng lượng. Tiết kiệm cũng tốt, nhưng nếu cứ suốt ngày bó mình trong việc tính toán chi tiêu chi ly từng chút thì sẽ khó mà tận hưởng cuộc sống trọn vẹn được”.
Những bài học chưa cũ
Bài viết “Tiết kiệm chưa bao giờ cũ” nhận được hơn 3.000 lượt quan tâm trong nhóm “Cột sống gen Z” (hơn 158.000 thành viên), chia sẻ về kế hoạch tài chính cho người trẻ khi bắt đầu cuộc sống xa nhà, tự lập. Hàng trăm bình luận từ các tài khoản mạng xã hội của bạn trẻ quanh vấn đề này, dễ thấy có 2 chiều ý kiến “chơi lớn” hoặc tiết kiệm từng ngày với những mục tiêu mua nhà, mua xe, sổ tiết kiệm trong các mốc thời gian ở tương lai.
Gần 5 năm đi làm, với tài khoản tiết kiệm 500 triệu đồng, Nguyễn Tấn Thành Tài (28 tuổi, kỹ sư hóa hữu cơ, ngụ quận 8, TPHCM) quyết định dành hẳn 1 năm đi du lịch và tìm hiểu cách đầu tư tài chính để có thêm nguồn thu phụ. “Ra trường rồi tôi cứ vùi mình vào công việc, đặt mục tiêu có sổ tiết kiệm, phấn đấu làm trưởng nhóm. Cứ xong việc ở công ty về nhà, tôi chỉ còn lăn ra ngủ, đâu có thời gian bạn bè hay đi chơi, cà phê. Tiền tiết kiệm dành dụm được, nhưng sức khỏe cũng hao hụt luôn, bây giờ tôi tạm nghỉ 1 năm để cải thiện lại mọi thứ, giờ mới thấm - tiết kiệm quá đôi khi đi làm chỉ đủ tiền mua thuốc”, Thành Tài chia sẻ.
Bài học tiết kiệm không bao giờ cũ. Sau đợt giãn cách xã hội vì dịch, công ty không trụ được quá lâu đành giải thể, Văn Tiến Dũng (30 tuổi, nhân viên kỹ thuật phần mềm, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) dành hẳn một kỳ nghỉ nửa năm sau khi mất việc. Tiến Dũng kể: “Đi làm có lương ở công ty, nhưng tôi tranh thủ kiếm thêm hợp đồng bên ngoài nữa, nên khoản tiết kiệm cũng gọi là tạm ổn. Lúc nghỉ dịch hay hiện tại là công ty đã giải thể, không phải vội vàng tìm việc khác, tôi vẫn sống đủ với khoản tiết kiệm nhỏ của mình, dành thời gian nghỉ ngơi và tìm việc ở công ty khác hoặc làm tự do tùy thích. Nói chung là cứ để dành đi, không phí đâu, giãn cách xã hội trong đợt dịch vừa rồi, hay ảnh hưởng suy thoái kinh tế, hiện tại nhiều công ty cắt giảm nhân sự, mới thấy tiết kiệm một khoản dự phòng luôn là thượng sách”.
Việc lớp trẻ hiện đại chọn lối sống phát triển bản thân và khẳng định bản thân nhiều hơn cũng là bình thường. Tuy nhiên, ngưỡng cửa bước vào đời, không ít những bài học, mà đôi khi khoản tiết kiệm dự phòng trở thành kỹ năng quan trọng để người ta trưởng thành và ứng biến trước khó khăn một cách vững vàng hơn.
Mỗi thế hệ mỗi quan điểm và có những góc nhìn cuộc sống khác nhau. Nhiều ý kiến trong các diễn đàn về người trẻ trên mạng xã hội cũng bày tỏ ý kiến rằng người trẻ hôm nay, hay thế hệ gen Z chọn cách sống thụ hưởng cũng là điều dễ hiểu, bởi họ lớn lên trong điều kiện xã hội phát triển…