Mười năm trước, ngày 11-3-2011, trận động đất lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử Nhật Bản đã xảy ra ở bờ biển phía Đông Bắc, gây ra sóng thần cao 43,3m, sâu tới 10km ập vào đất liền, khiến 15.899 người thiệt mạng, 2.529 người mất tích và khoảng 470.000 người phải sơ tán.
Thảm họa này cũng gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bên bờ biển Thái Bình Dương kể từ sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Vụ tai nạn đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và cuối cùng là tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản phải đóng cửa. Một thập niên sau, ngành công nghiệp hạt nhân vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được những lo ngại về an toàn mà Fukushima gây ra.
Trên website The Conversation, Kiyoshi Kurokawa, giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo và Tiến sĩ Najmedin Meshkati của Đại học Nam California cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản dân chủ lập hiến, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua đạo luật thành lập một ủy ban quốc gia độc lập để điều tra nguyên nhân gốc rễ của thảm họa này.
Những đánh giá có được cho thấy, ngoài chịu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên, sự cố tại Fukushima còn có nguyên nhân sâu xa từ sự giám sát lỏng lẻo và vận hành nhà máy kém an toàn - đều là những nguyên nhân có thể và đáng lẽ phải tránh được.
Những vấn đề này không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các yếu tố con người như sai sót của người vận hành đóng vai trò quan trọng trong cả 3 sự cố lớn xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân: Three Mile Island ở Mỹ năm 1979, Chernobyl ở Ukraine năm 1986 và Fukushima Daiichi vào năm 2011. Và nếu không siết chặt quản lý, danh sách này có thể sẽ tăng lên.
Hiện có khoảng 440 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động trên khắp thế giới, với khoảng 50 lò đang được xây dựng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, các quốc gia cần phải rút ra những bài học xương máu từ sự cố tại Fukushima để phát triển các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân cứng rắn cũng như cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia.
Tương tự, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng nên khuyến cáo các quốc gia thành viên cân bằng giữa chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc tế khi vận hành các lò phản ứng hạt nhân trên lãnh thổ của họ. Bởi, sự cố phóng xạ không chỉ dừng lại ở ranh giới của chính quốc gia đó.