Thông tin từ trường học sinh này đang theo học cho biết, em là một trong những học sinh có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn tiếng Anh của trường.
Suốt 3 năm học THCS, em luôn có thành tích cao trong học tập, đặc biệt với môn tiếng Anh, môn được xem là sở trường của học sinh này. Đau đớn thay, ngay trong lần kiểm tra miệng đầu năm môn tiếng Anh, em đã bị điểm 3.
Sau đó, phụ huynh xin cho em nghỉ học vài ngày với lý do bệnh. Thời gian nghỉ bệnh chưa qua hết, nhà trường đã nhận hung tin học sinh này tử vong vì nhảy từ tầng 7 chung cư xuống đất…
Một điểm số 3 đã vô tình cướp đi sinh mạng của một học sinh ưu tú. Áp lực điểm số tuy vô hình nhưng đã trở thành rào chắn khiến em cô đơn, mất phương hướng trong chính thế giới nặng nề thành tích của bản thân.
Qua sự việc đau lòng này, nhiều người đã lên án phương pháp đánh giá năng lực học sinh thông qua điểm số, cũng như sự thờ ơ, vô tâm của giáo viên bộ môn khi học sinh bất ngờ đạt điểm kém trong chính môn học em được đánh giá có năng lực khá.
Song ở đây, cần nhìn nhận vấn đề một cách đầy đủ. Bởi kiểm tra miệng đầu giờ là việc làm thường xuyên của giáo viên ở tất cả môn học, với mục đích kiểm tra học sinh có nắm được bài cũ trước khi vào học bài mới hay không.
Giáo viên gọi tên học sinh một cách ngẫu nhiên, luân phiên trong suốt năm học. Thêm vào đó, điểm kiểm tra miệng theo quy định ở các trường phổ thông chỉ tính theo cột điểm hệ số 1, tức học sinh nếu bị điểm thấp có thể cố gắng bù lại bằng các bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa học kỳ với hệ số tính điểm cao hơn.
Nói như chia sẻ của một phụ huynh cũng có con đang học lớp 9: “Thi đại học rớt còn có thể năm sau thi lại. Thi lớp 10, trường công không đạt vẫn có trường tư với rất nhiều lựa chọn, hướng rẽ khác nhau. Tôi thật sự không hiểu một con điểm 3 trong một bài kiểm tra không quá quan trọng sao lại có thể khiến em nghĩ đến việc dại dột như vậy”.
Vậy nguyên nhân thật sự đâu nằm ở điểm số. Trong đó, thầy cô, bè bạn dù biết em buồn cũng không thể nghĩ đến việc em sớm chọn cách kết liễu cuộc đời mình vì điểm số một bài kiểm tra như vậy.
Có người lại trách gia đình em. Ba mẹ ở đâu khi đứa con trai giỏi giang, vốn là kỳ vọng của cả gia đình đang ở bờ vực tâm lý chênh vênh như vậy.
Nhưng theo thông tin từ báo chí, trước ngày học sinh này ra đi, ba mẹ đã nhận ra những thay đổi tâm lý của con. Họ đã nghỉ việc ở nhà, dẫn em đi gặp bác sĩ tâm lý, đã đồng hành cùng con nhiều ngày trước đó. Nhưng tất cả đều quá muộn.
Ở đây lỗi không hẳn thuộc về gia đình hay nhà trường, mà thuộc về cả cách nhìn, cách đào tạo và đánh giá năng lực học sinh của xã hội. Nếu không có những sự nhồi nhét về kiến thức, khiến các em suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào con chữ, sẽ không có những mệt mỏi vì áp lực không đáng có.
Nếu trường học quan tâm, đầu tư hơn nữa đến việc dạy kỹ năng sống, để học sinh biết cách làm chủ cảm xúc của bản thân, nhận thức được mục đích sâu xa của việc học sẽ không có những kết cục đau lòng đến như vậy.
Sự việc như một lời cảnh tỉnh cho tất cả phụ huynh, đồng thời cũng cho ngành giáo dục. Học chữ chỉ là một trong những hành trang, mà nếu không đồng hành với nó những kỹ năng, bản lĩnh nhất định, học sinh sẽ không thể trở thành người có ích cho xã hội.
Chương trình học ngoài việc truyền thụ kiến thức còn cần dạy cho các em cả cách lĩnh hội và làm chủ những hiểu biết đó. Liệu chúng ta có thể thay đổi trước khi quá muộn?