Ba biểu, người quê thường nhìn hoa trái, ngắm nghía nắng mưa, ngó nghiêng con nước để áng chừng thời gian, tháng mùa. Và dấu hiệu xác tín cái tết gần kề đó là khi trời ngưng cơn mưa dầm dề, từng hồi gió se sắt phe phẩy tán cây, mọi người hò nhau dựng chòi tre mái tranh nơi khoảng đất trống gần nhà thờ tiền hiền hoặc đình làng. Tết xứ Quảng là thế, nếp quê có từ thời ông cố cụ kỵ, tới đời nội, đời ba: “Vợ lo nếp, lá, đậu, mè... Chồng lo mài rựa chặt tre dựng chòi.” Chòi đơn sơ, bên trong trải tấm chiếu manh, treo chiếc đèn lồng, trên nóc cắm cờ hội sặc sỡ. Phải dựng chòi dựng nêu trước đêm Giao thừa, để sớm đầu năm cả thôn tụ lại trong hội Xuân dưới nắng mới vàng ươm như mật.
“Gió Xuân phảng phất nhành tre
Xin mời cô bác lắng nghe bài chòi
Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe
Tui hô quân bài, con gì nó ra đây...”.
Tuổi thơ tôi nghe thuộc nằm lòng mấy câu hô hò rặt giọng Quảng, tới mức có thể lẩm nhẩm đọc theo. Cứ Mùng Một Tết, ba lại đèo tôi trên chiếc xe đạp trành trành về quê nội thắp nhang cho ông bà, rồi thể nào cũng chen vào đám đông để coi hát bài chòi. Ai sửa soạn nhanh nhanh tới trước sẽ xí được chòi, ngồi trên cao thả chân đòng đưa nhịp nhịp. Bà con nườm nượp tới sau trải chiếu lát hoặc lót dép ngồi bệt luôn trên nền đất cát.
Bài chòi xứ Quảng dùng bộ bài lá chơi Bài Tới, có 30 thẻ quân bài, chia cho 10 người, mỗi người 3 quân. Neo sâu vào trí nhớ tôi là những tên quân bài dân dã mà độc đáo như: Ông Ầm, Đỏ Mỏ, Ba Gà, Tứ Cẳng, Sáu Tiền, Bát Bồng… với các hình vẽ trắng đen kỳ lạ, khó hiểu. Nghệ nhân kéo đàn mặc áo dài khăn đóng, anh chị Hiệu nổi bật trong bộ đồ dân gian màu mè, thắt dây ngang hông và chít khăn trên đầu.
Tiếng đàn réo rắt cất lên, tiếng mõ trống cốc cốc rộn ràng, anh Hiệu chị Hiệu rút trúng quân bài nào sẽ ngay lập tức ứng khẩu bằng những câu hát ru, điệu vè, hò Quảng. Có khi vừa dứt câu ca, ở dưới mọi người đã gõ thẻ lách cách, vỗ tay cười rần rần. Bọn trẻ con tụi tôi được dịp cười hùa giòn tan dù chẳng hiểu mô tê gì. Những câu hô dí dỏm, đối đáp duyên dáng, có câu ngợi ca, có lời châm biếm, ghẹo nhau, đùa vui dân dã như lời ăn tiếng nói đời thường mà thanh nhã, không hề thô tục.
Người chơi nào cầm trong tay 3 quân bài trùng tên với 3 quân bài mà anh, chị Hiệu hô thì thắng cuộc. Ăn một lượt hô bài chòi có nhiêu đồng đâu chớ, thời đó đôi khi phần thưởng chỉ là gói bánh mứt, hạt dưa hoặc chai rượu Hồng Đào, gói trà Mai Hạc… Nhưng cảm giác thích thú ngóng cổ suy đoán con bài sắp ra, tò mò so con bài trên tay người khác rồi vỗ đùi cái đét hét lớn: “Tới! Tới rồi!” thiệt là đã.
Hội bài chòi nhộn nhịp suốt mùa tết quê tôi từ Mùng Một tới Mùng Bảy, có lần kéo lai rai cả tháng Giêng để bà con được tụ họp, gặp gỡ, vui chơi rôm rả sau một năm dài đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, trâu bò, heo gà. Trong con mắt của con bé ngày chưa tự mình đi đâu ra khỏi thị trấn, thì quê nội xa lắm, đường về thăm thẳm. Nhưng quê nội cũng đông vui, thú vị quá chừng chừng.
Tôi rong chơi tháng ngày, nào biết Xuân về dệt thêm tuổi đời trên vai. Chừng năm nào không nhớ rõ, tôi ùa vào những trò vui mới mẻ ở thị trấn mỗi dịp tết đến. Ba chẳng đủ sức đạp những vòng xe cọc cạch chở đứa con mỗi ngày một lớn, tôi vì thế ít ghé về nội hơn, bớt thiết tha mấy hội làng xưa. Bài chòi còn ở đó hay đã đi đâu, tôi nào để ý tới. Ngày trưởng thành sải cánh bay muôn phương, tôi mới nhận ra quê nội gần thiệt gần, nhất là khi, bây chừ ba đã gởi đời ở lại nổng cát thân thương.
Có đêm hè ở phố, tôi tình cờ đi ngang hội bài chòi ngân vang câu hát quen thuộc, chợt ùa về nỗi nhớ ba da diết. Chỉ cần nghe một tiếng quê, lòng đã tràn nức nở. Trong tim mỗi người con xa xứ có gì thấm thiết bằng nỗi nhớ nhà, nhớ hồn cốt quê hương, xứ sở. Từng có khoảng thời gian thôn xóm vắng bóng người hô bài chòi, để bao người phải xa xót rưng rưng. Nhưng dạo rày, tôi đã bắt gặp câu hò diễn xướng bài chòi ở cả nơi đất khách. Thì thế, ai rồi cũng sẽ tìm về với nguồn cội đời mình.
Ngày tôi quay lại, thương sao tết xứ Quảng vẫn rộn ràng câu ca thấm sâu máu thịt. “Thà rằng ăn mắm, mút dòi. Cũng nghe bài chòi cho sướng cái tai”. Vững tin bài chòi luôn ở đó dẫu qua bao mưa nắng phai mòn, cũng giống như tình quê vẹn tròn còn mãi với tháng năm.
NY AN
Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng