Thỉnh thoảng, ông Nguyễn Hồng Huỳnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng - nơi có những đồng muối trắng ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM), lại mang xấp giấy tờ, tập vở cất kỹ trong tủ ra sắp xếp. Tay mân mê, cẩn thận lật từng trang giấy, ông cười và nói: “Gia tài cả đời của tôi đấy! Học và làm theo tấm gương Bác Hồ, tôi muốn đem những đứa con tinh thần của mình phục vụ bà con cô bác sau ngày làm việc vất vả”.
Trong những tập vở, xấp giấy ấy là những vở cải lương, bài vọng cổ do ông Huỳnh sáng tác, ghi chép, lưu giữ từ năm 1980 đến nay. Nhiều tác phẩm, như: Khúc ca trên đồng muối, Theo con đường Bác Hồ, Thạnh An vui ngày hội… vẫn được người dân ở đây truyền nhau hát mỗi khi có dịp. Có những tờ giấy dù úa vàng nhưng luôn phẳng phiu, chỉn chu, như tinh thần nghệ thuật vì dân của người nghệ nhân đờn ca tài tử sống giữa ấp đảo.
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Huỳnh liệt kê những tác phẩm đờn ca tài tử mình sáng tác trong gần 40 năm qua
Ông Huỳnh kể ông biết đàn, hát từ năm 16 tuổi. Từ nhỏ, ông đã đam mê đờn ca tài tử nên thấy ai hát, đàn là ông mon men theo “học lỏm”. Năm 1978, khi về ấp Thiềng Liềng định cư, ông Huỳnh mới biết đàn, hát chứ chưa sáng tác. Đến năm 1980, ông tìm hiểu và bắt đầu sáng tác tuồng cải lương phục vụ bà con trong ấp. Thời gian ấy, người dân ở tỉnh Tiền Giang đến ấp Thiềng Liềng làm muối thuê rất đông. Nhiều người trong số ấy hát tuồng cổ, ca cải lương rất ngọt. Từ đó, trên cánh đồng muối luôn vang vọng lời ca, tiếng hát, xua tan cái nắng gắt, sự nhọc nhằn của người dân ấp đảo. Một ngày làm việc vì thế mà bớt mệt, bớt dài. Hết mỗi mùa muối, người Tiền Giang trở về quê. Ông Huỳnh nghĩ ra ý tưởng sáng tác tuồng, cải lương để mọi người cùng nhau hát mỗi khi mãn mùa muối, coi như món quà chia tay những người rời ấp.
“Hồi đó, tôi dàn dựng hai vở là Bão lũ mùa thu - hát về thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, và Bến nước sông Đà - hát về 2 vị tướng tài ba Lê Lai và Lê Lợi. Sân khấu ở trong nhà, trang phục tự may, không có điện. Chúng tôi tự dàn dựng, tự phân vai, tự tập dượt với nhau. Kịch bản dài gần 3 giờ, có 10 người tham gia biểu diễn. Rất đông khán giả đến xem, không ai bỏ về giữa chừng. Thế là năm nào ấp cũng có một sự kiện như thế vào cuối mùa muối”, ông Huỳnh nhớ lại. Từ đấy, có ông Huỳnh xốc vác, đôn đốc, đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở Thiềng Liềng. Ông tâm niệm, dù ở vùng sâu vùng xa nhưng phong trào văn hóa văn nghệ không thể hoạt động một cách tự phát mà cần định hướng từ chính quyền, đoàn thể. Vì vậy, bất cứ tác phẩm nào, dù dài hay ngắn, ông đều gửi đến cơ quan chức năng xem xét, kiểm duyệt trước khi phổ biến cho bà con trong ấp. Sau đó, hòa mình vào công tác đoàn thể tại địa phương, ông sáng tác nhiều bài vọng cổ, vở cải lương về phong trào nông thôn mới, tuyên truyền pháp luật, kế hoạch hóa gia đình… Gia tài của ông cứ thế lớn dần, hiện giờ đã là hàng trăm tác phẩm. Với ông Huỳnh, lời ca, tiếng hát muốn đi vào lòng người thì phải gắn liền với đời sống nhân dân, phản ánh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước.
Năm 2005, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng thành lập, ông được bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ cho đến bây giờ. Hiện nay, câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động, thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ bà con, thu hút nhiều bạn trẻ trong ấp tham gia. Không chỉ vậy, câu lạc bộ còn đại diện địa phương “chinh chiến” ở nhiều cuộc thi, hội diễn đờn ca tài tử, phong trào văn nghệ quần chúng và đoạt nhiều giải thưởng. Bản thân ông Huỳnh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là nghệ nhân và tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử vào năm 2013.