Ngày 29-12 tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11-11-2020 của Chính phủ về việc khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu, bãi bỏ tờ khai nguồn gốc sau gần 1 tháng áp dụng.
Trước đó, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và có tờ trình báo cáo Thủ tướng đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu.
Nội dung đề xuất đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2020 và được Chính phủ thông qua theo Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11-11-2010.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30-11-2020 hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu. Theo đó: cơ quan hải quan sẽ dừng thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc từ ngày 1-12-2020 đối với các phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện nhập khẩu phục vụ việc đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng để có thể thực hiện từ 1-7-2021.
Qua gần 1 tháng thực hiện cho thấy việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. Nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết đã được bãi bỏ, các dữ liệu nguồn gốc của phương tiện trên hệ thống đảm bảo độ chính xác. Qua đó đó hạn chế được tình trạng làm giả hồ sơ giấy tờ, phù hợp với bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công quốc gia.
“Theo tính toán sơ bộ dựa trên kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp và báo cáo của cục hải quan các địa phương, nếu bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, phía cơ quan hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí, giảm bớt được nhiều nhân lực” - thông cáo của Tổng cục Hải quan nêu.
Đây chính là giải pháp đột phá về cải cách thủ tục hành chính, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký phương tiện mà còn tiết kiệm hàng chục ngàn giờ công mỗi năm cho ngành hải quan. Một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn giải quyết hoặc phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đơn vị vận hành Cổng dịch vụ Công quốc gia (Văn phòng Chính phủ) kịp thời giải quyết.
Tổng cục Hải quan cũng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai việc kiết nối, chia sẻ dữ liệu để chính thức dừng thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với các phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 102/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng từ ngày 1-7-2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan hải quan và Cục Cảnh sát giao thông qua Hệ thống dịch vụ công quốc gia, phục vụ việc đăng ký phương tiện được thông suốt.