GIẢI THƯỞNG VÕ TRƯỜNG TOẢN LẦN THỨ 22 NĂM 2019

Bài 6: Cán bộ quản lý vững vàng vai trò thuyền trưởng

Ngoài các thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp, danh sách nhà giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có 10 cán bộ quản lý, đến từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường chuyên biệt. Dù có tuổi đời, tuổi nghề, trình độ chuyên môn, môi trường công tác khác nhau nhưng các nhà giáo đều gặp nhau ở tinh thần tận tụy, luôn hết mình vì tập thể sư phạm và sự phát triển của học trò. 

 



Đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu

Dù trú đóng trên địa bàn một huyện ngoại thành, đời sống người dân còn khó khăn, nhưng từ năm học 2016-2017 đến nay, Trường Mầm non Hoa Phượng 1 (huyện Bình Chánh) đã xây dựng thành công mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Nhiều năm qua, đơn vị được TP vinh danh là lá cờ đầu trong công tác giáo dục và đào tạo, dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Có được thành công đó là nhờ tâm huyết của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Hồng, người “thuyền trưởng” được nhiều đồng nghiệp, giáo viên trìu mến với tên gọi “chị siêu nhân”. Nói về những đóng góp của mình, cô Hồng cho biết, thành công của người cán bộ quản lý chỉ có được nhờ sức mạnh ủng hộ từ tập thể. 

Để lèo lái đơn vị có thành tích như hôm nay, cô hiệu trưởng luôn biết ơn và ghi nhận những đóng góp dù nhỏ nhất của từng thành viên trong tập thể sư phạm. Năm học này, nhằm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bản thân cô hiệu trưởng đã phấn đấu trở thành tấm gương sáng về đạo đức và tinh thần tự học, sáng tạo cho giáo viên noi theo. Trải qua 22 năm công tác, cô Hồng luôn giữ cho mình tư tưởng vững vàng, kiên định, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, có nhiều thành công và sáng tạo trong việc xây dựng môi trường học tập thân thiện cho học sinh. 

Là cán bộ quản lý có tuổi đời nhỏ nhất trong số các cán bộ quản lý đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, thầy Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), bày tỏ, mong muốn lớn nhất trong cuộc đời làm giáo dục của thầy là nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học, đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận xu thế phát triển chung của khu vực và quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, 5 năm qua, tập thể sư phạm Trường Tiểu học Lê Đức Thọ đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nhà trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế. 

Chia sẻ với PV Báo SGGP, thầy Bình bày tỏ: “Mô hình tiên tiến bản chất vẫn là trường công lập nhưng chương trình giáo dục và các điều kiện dạy học đạt mức chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Chúng tôi may mắn có tập thể sư phạm tuổi đời rất trẻ, giàu tâm huyết. Chính sức trẻ và lòng nhiệt tình đã giúp đơn vị có những dấu ấn phát triển như hôm nay, tạo được sự tín nhiệm và tin tưởng cao của phụ huynh”. Dù mới được thành lập từ năm 2015, nhưng đến nay, Trường Tiểu học Lê Đức Thọ tự hào là một trong 13 trường tiểu học trên địa bàn TP xây dựng thành công mô hình tiên tiến, trở thành nơi học tập và phát triển lý tưởng cho học sinh với đầy đủ phòng chức năng, sân tập, bãi tập, nhà thi đấu, hồ bơi, khu vui chơi, vườn sinh vật, các trang thiết bị dạy học hiện đại... 

Dám nghĩ, dám làm

15 năm ở vai trò cán bộ quản lý, cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết, bản thân là người không ngừng nghĩ ra những ý tưởng mới phục vụ lợi ích của học sinh và giáo viên. Nữ hiệu trưởng cho biết, khi trong đầu nảy sinh một ý tưởng mới sẽ đem ra bàn bạc với hội đồng sư phạm để hoàn thiện, bởi “một cái đầu không thể làm nên chuyện mà nhiều cái đầu gộp lại mới có được thành công”. 
Để duy trì, phát triển sức mạnh tập thể đó, cô hiệu trưởng luôn ý thức phải tạo ra môi trường làm việc dân chủ, công bằng cho tất cả giáo viên, nhân viên. Trong đó, hiệu trưởng luôn sẵn lòng lắng nghe cấp dưới, học cách tiếp thu, khiêm tốn và tỉnh táo trong xử lý công việc.
Bài 6: Cán bộ quản lý vững vàng vai trò thuyền trưởng ảnh 1 Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1)
Sau nhiều năm phấn đấu, cô Vũ Thị Ngọc Dung đã giúp Trường THPT Bùi Thị Xuân trở thành một trong những trường phổ thông có thành tích thuộc tốp đầu thành phố, nổi bật với nhiều dấu ấn riêng biệt như đưa hoạt động chia sẻ đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa cho học sinh 2 khối 10 và 11, học sinh khối 12 được tăng cường thêm 2 môn kỹ năng sống là nấu ăn và yoga để cân bằng giữa thể chất và áp lực sách vở. Từng trải qua nhiều vị trí công tác như giáo viên phòng thí nghiệm, làm giáo vụ, giáo viên đến phó hiệu trưởng và hiệu trưởng, cô Dung hiểu rõ tầm quan trọng của việc gắn kết nhiều mắt xích bộ phận trong trường, từ đó tạo thêm điều kiện cho tất cả thành viên cùng phát triển năng lực và phát huy tư duy sáng tạo. 
Với cô Đỗ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1), quyết định điều chuyển về làm hiệu trưởng trường giáo dục đặc biệt là điều chưa bao giờ nghĩ đến. Nhớ lại khoảng thời gian chênh vênh đó, cô Hiền cho biết, khi mới về Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, nhìn ánh mắt vô hồn của học sinh, những tiếng la hét không rõ nghĩa, cơ sở vật chất xập xệ, phòng học nhỏ và xuống cấp, thiếu thốn mọi điều kiện dạy học khiến người cán bộ quản lý ngỡ sẽ không thể hoàn thành trọng trách ở đơn vị công tác mới. 
Cô Đỗ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1)       
ảnh: HOÀNG HÙNG
Thời điểm đó, cô cho biết chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn giáo dục đặc biệt, một mình loay hoay tự tìm tài liệu tham khảo trên mạng với vốn tiếng Anh còn hạn chế. Nhưng ngày qua ngày, được tiếp xúc trực tiếp với các con, đón nhận sự hồn nhiên của học trò thông qua những tiếng gọi “người đẹp ơi” trìu mến, có kẹo ngon các bé đều để dành cho cô khiến ý định rời bỏ ngôi trường không còn nữa. Ở đây, cô Hiền cho biết không nghĩ mình đang dạy trẻ khuyết tật mà đang chăm sóc những tâm hồn trẻ thơ như bao đứa trẻ bình thường khác. Cô tâm sự, môi trường giáo dục đặc biệt với nhiều khó khăn, vất vả khiến không nhiều giáo viên trụ lại được, ban giám hiệu phải vừa làm công tác quản lý vừa thay nhau đứng lớp. Hiện nay, trường đang nuôi dạy khoảng 70 học sinh, đa phần là trẻ chậm phát triển và tự kỷ. Khối lượng công việc mỗi ngày rất nhiều vì phải vừa dạy học vừa rèn kỹ năng, chăm sóc y tế cho các em. Nhưng với bản lĩnh và kinh nghiệm của người mẹ, cô Đỗ Thị Hiền luôn tin tưởng không khó khăn nào không vượt qua được. Chỉ cần có sự kiên trì và cố gắng, các cô sẽ giúp trẻ tiến bộ và đó là phần thưởng quý giá nhất trong cuộc đời “đưa đò”.

Danh sách cán bộ quản lý đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các nhà giáo: Phan Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 (quận 7); Hà Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non quận 11; Trương Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Phú (quận 9); Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Hiệp (huyện Cần Giờ); Phan Thị Mai Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Định (quận 6) và Nguyễn Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp).

Tin cùng chuyên mục