Cứ mỗi lần miền Trung bị thiên tai, cả nước lại hướng về, người góp tiền, người gửi mì tôm, ký gạo với mong muốn giúp bà con qua cơn khốn khó. Của không ít (số tiền cứu trợ từ vài tỷ, đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng mỗi năm), tấm lòng thì rất nhiều, nhưng đồng bào miền Trung vẫn cứ mãi khốn khó. Vì sao?
Lũ trôi tiền tỷ
Hầu hết những người bị thiệt hại nặng do thiên tai tại miền Trung là những gia đình nghèo và khó khăn. Chỉ cần một cơn bão cấp 9, cấp 10 đổ về, những căn nhà tranh vách đất sẽ không còn. Nếu bão từ cấp 10 đến cấp 12 thì không ít những căn nhà cấp 4 hoặc nhà kiên cố hơn nằm trong vùng tâm bão cũng bị ảnh hưởng. Còn khi lũ đổ về thì tất cả đều chìm trong biển nước.
Mặc dù đã 2 tháng trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thị Liên, cùng chồng là anh Lê Văn Cảnh, ở thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn không quên được cơn lũ lịch sử vừa qua. Chỉ trong vài giờ nước đã ngập trắng. Khi nước rút, căn nhà cấp 4 khá kiên cố của anh chị đã bị sập hoàn toàn nên 2 tháng qua, phải cơi nới một bên trái của chuồng bò để ở. Sau bão, 3 đứa con của anh chị thì 2 đứa lớn một về bên nội, một bên ngoại, còn thằng nhỏ nhất Lê Văn Hoàng, 4 tuổi ở lại ngủ với ba mẹ hàng đêm chung với… bò.
Cách nhà chị Liên vài km là xã Bình Minh cũng của huyện Bình Sơn, gia đình anh Võ Văn Hành và chị Nguyễn Thị Anh sau cơn lũ cũng “bám trụ” tại chuồng bò. Lui cui nấu ăn cạnh chuồng bò, chị Anh thút thít: “Lũ lên, nhà và tài sản đều bị cuốn trôi, nhưng may còn cái chuồng bò mà nương thân”. Mối bận tâm của chị Liên, anh Cảnh hay của chị Anh và anh Hành lúc này là cuộc sống của họ sắp tới sẽ ra sao, lấy gì để dựng lại nhà, lấy gì để nuôi gia đình khi gạo cứu trợ đã hết, cái ăn không đủ. Mong ước xây lại được ngôi nhà như ngày xưa bây giờ trở nên quá tầm với đối với những gia đình nghèo này...
Cứ thế, mỗi lần bão đến, lũ về, biết bao tài sản, của cải bị tàn phá, bị cuốn trôi đi. Với sự tiếp sức của đồng bào cả nước, người dân miền Trung lại gượng dậy, lại vươn lên, lại lao động sản xuất khắc phục thiệt hại để rồi khi một mùa bão lũ nữa đến, chẳng ai dám chắc rằng những gì họ vừa làm được có thể đứng vững trước bão lũ. Thống kê sơ bộ các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên, những nơi vừa trải qua cơn bão số 9 và số 11, trung bình cứ mỗi địa phương nhận ít nhất 20 tỷ đồng tiền cứu trợ từ các tổ chức, các địa phương thông qua kênh MTTQ tỉnh và nhiều đoàn thể, đơn vị khác cũng hỗ trợ số tiền tương đương như thế cho bà con vùng bão lũ. Vậy nhưng, một thực tế là tiền và hàng “chảy” về, vẫn cứ như “muối bỏ biển” và sau mỗi trận thiên tai, lại phải cứu trợ?
Nỗi đau cứu trợ
Một tay xách 10kg gạo, tay kia ôm 2 thùng mì tôm như chực rớt, là số hàng cứu trợ mà chị Nguyễn Thị Lan, xã Bình Minh, vừa nhận được, rồi nhẩm tính: “7 khẩu, mỗi bữa ăn nấu 3,5 lon gạo. Vị chi một ngày mất 1kg, vậy là sẽ cầm cự được 5 ngày; 2 thùng mì tôm, chỉ ăn sáng thôi, được khoảng một tuần”. “Thế những ngày tới sẽ tính ra sao?” - Chúng tôi hỏi: Chị im lặng thật lâu, rồi buông lời: “Trông chờ nhà nước hỗ trợ, chứ tài sản, hoa màu bị cuốn trôi hết rồi, lấy gì tái thiết cuộc sống”!
Chị Lan chỉ là một trong hàng ngàn gia đình ở miền Trung nhận hàng cứu trợ theo kiểu trao tay từ nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tập thể… nhằm giải quyết ngay nhu cầu trước mắt. Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Chung Quan Bắc nhẩm tính: “10 ngày đầu sau khi xảy ra thiên tai, mỗi ngày ít nhất có 6 đoàn khắp nơi trong cả nước về mang theo tiền, hàng cứu trợ các hộ dân của xã bị thiệt hại”. Ông bấm đốt ngón tay: “Nếu mỗi đoàn 1 thùng mì tôm, 3kg gạo và 300.000 đồng, thì trong 10 ngày ấy, mỗi gia đình sẽ nhận được 10 thùng (gần 400 gói mì), 30kg gạo và 3 triệu đồng, chí ít cũng giải quyết được nhu cầu sinh hoạt trong vòng hai tháng. Đó là chưa kể nguồn hỗ trợ từ nhà nước”.
Hình thức cứu trợ này hiệu quả tức thời vì giải quyết ngay nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho những hộ dân vừa bị trắng tay sau lũ, nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển” - lãnh đạo MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận.
Phải có biện pháp lâu dài chứ?
Chúng tôi đặt câu hỏi này lên bàn Phó Chủ tịch thường trực MTTQ tỉnh Quảng Ngãi Hoàng Lưu. Ông cho biết: Riêng MTTQ tỉnh đã giải ngân 17 tỷ đồng trên tổng số 27 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cứu trợ cho MTTQ huyện để kịp phân về cho bà con khắc phục bão lũ, chủ yếu là dựng lại nhà cửa. Điều này cũng được ông Chung Quan Bắc thông báo: đã nhận 710 triệu đồng, phân bổ về cho 71 gia đình, 10 triệu đồng/hộ, nhưng đây là số hộ được hưởng theo diện theo Nghị định 67/CP, còn MTTQ huyện thông báo sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ thì mới có… quyết định. Hỏi sao MTTQ tỉnh thông báo hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà sập hoàn toàn, xuống MTTQ huyện lại có 2 triệu đồng? Ông Bắc không trả lời được. Hỏi ông về việc xây dựng lại nhà cửa, ông cũng… không rõ lắm.
Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số gần 100 nhà bị sập hoàn toàn của xã Bình Mỹ, khoảng 10 nhà có điều kiện đang làm kiên cố, số còn lại ở vật vạ trong những túp lều dựng tạm… mà nguyên nhân của mọi nguyên nhân theo các gia đình, với ngày công như hiện nay (150.000 đồng/ngày) và giá vật liệu tăng gấp 3 ngày thường thì 10 triệu đồng chỉ đổ được… móng. Những gia đình trắng tay sau lũ đã phải dùng đến tiền hỗ trợ của Nhà nước để mua sắm vật dụng gia đình, lo chuyện học hành con cái. “Vậy nên, dù có cố lắm cũng không thể dựng lại nhà kiên cố để đối phó với mùa lũ năm sau, chi bằng làm tạm, năm sau có mất cũng không tiếc” - chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ tặc lưỡi.
Không thể phủ nhận rằng những đợt cứu trợ tức thời ngay khi bão lũ vừa xảy ra đã phần nào giúp bà con giải quyết khó khăn về cái ăn, cái mặc trước mắt. Những món quà, tiền mà các nạn nhân bị thiên tai nhận được từ những tấm lòng hảo tâm, từ Chính phủ đã củng cố thêm lòng tin, tiếp thêm nghị lực cho nhân dân vượt qua khó khăn. Nhưng điều mà nhân dân các vùng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai đang chờ mong các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đó là cần thiết phải tìm ra giải pháp để người dân vùng này giảm nhẹ nhất thiệt hại khi bão đến, lũ về và hơn thế, họ có thể sống chung với lũ, tránh nỗi đau trắng tay sau mỗi cơn bão, lũ quét ngay nhà như hiện nay.
Hà Minh – Chiến Dũng
Miền Trung sống chung với bão lũ |
- Bài 2: Không “phòng” khó “chống”! - Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện - Lợi và hại |